VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG DÂN SỰ
  • 15/122021
  • Chuyên viên Thùy Linh

VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhằm đảm bảo cho các vụ việc dân sự được giải quyết chính xác, minh bạch, khách quan. Bài viết dưới đây sẽ phân tích, làm rõ vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng dân sự.

Căn cứ pháp lý

- Hiến pháp năm 2013;

- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014.

Khái niệm Viện kiểm sát

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 thì có thể hiểu Viện kiểm sát là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng. Viện kiểm sát nhân dân gồm có Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.

Vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng dân sự

Tại Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về vai trò của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự như sau:

- Viện kiểm sát thực hiện việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.

- Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các vụ việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Ngoài ra, Viện kiểm sát còn tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Từ những quy định của pháp luật hiện hành có thể đưa ra một số vai trò cụ thể của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự như sau:

- Thứ nhất, tham gia phiên toà, phiên họp:

Đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, … thì Viện kiểm sát sẽ tham gia các phiên tòa sơ thẩm, phiên họp sơ thẩm. Ngoài ra, Viện kiểm sát còn tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Việc tham gia phiên toà của Viện kiểm sát có ý nghĩa rất lớn, nó quyết định chất lượng cũng như hiệu quả của công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.

- Thứ hai, phát biểu ý kiến tại phiên toà, phiên họp sơ thẩm:

Theo quy định tại Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong  quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Trong phiên họp giải quyết việc dân sự, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc dân sự (điểm g Khoản 1 Điều 369 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

- Thứ ba, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn đó là nghiên cứu hồ sơ vụ việc; yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định tại Khoản 6 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (trong đó có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao) có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết (Căn cứ Khoản 2 Điều 330 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

- Thứ tư, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm:

Căn cứ vào Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

- Thứ năm, kiểm sát việc thi hành án dân sự:

Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, đính chính bản án, quyết định của Tòa án; trực tiếp kiểm sát việc thi hành án; kiểm sát hồ sơ về thi hành án, kháng nghị, kiến nghị…

Trên đây là nội dung tư vấn về vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng dân sự.

-------------------------------------------------

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖

📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

🌍 Website: sjklaw.vn

📩 Email: sjk.law@hotmail.com

☎ Hotline: 0962420486

Tags : Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Sjklaw, Tố tụng dân sự, Vai trò, Viện kiểm sát
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: