NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH THẨM QUYỀN CỦA TOÀ ÁN TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
Toà án là cơ quan nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Toà án được tổ chức theo một thể thống nhất từ trung ương tới địa phương và được phân cấp để thực hiện quyền tư pháp của mình. Trong các vụ án dân sự, thẩm quyền của Toà án được xác định dựa trên những nguyên tắc nhất định. Vậy, pháp luật hiện hành có quy định như thế nào về nguyên tắc xác định thẩm quyền của Toà án trong vụ án dân sự? Bài viết dưới đây sẽ phân tích nội dung nguyên tắc xác định thẩm quyền của Toà án trong vụ án dân sự.
Nội dung nguyên tắc xác định thẩm quyền của Toà án trong vụ án dân sự
1. Thẩm quyền của Toà án theo loại việc.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự theo loại việc là tổng hợp các loại vụ việc về dân sự mà Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo loại việc được quy định tại Điều 26, 28, 30, 32 và 34 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định rõ ràng, cụ thể về những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã sửa đổi, bổ sung thêm nhiều loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án được quy định trong các luật nội dung nhằm bảo đảm thống nhất, phù hợp với Hiến pháp và các luật khác như: Bộ luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật doanh nghiệp, Bộ luật lao động,…
Tại khoản 14 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định Toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa Tòa án chỉ có quyền từ chối thụ lý giải quyết tranh chấp dân sự khi pháp luật quy định thẩm quyền giải quyết thuộc về cơ quan, tổ chức khác.
2. Thẩm quyền của Toà án theo cấp.
Việc xác định thẩm quyền của Toà án theo cấp là việc xác định xem vụ án dân sự đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện hay Toà án nhân dân cấp tỉnh. Việc xác định thẩm quyền của Tòa án theo cấp được quy định tại Điều 35, 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bộ luật Tố tụng dân sự căn cứ vào tính chất phức tạp của vụ việc, khả năng và điều kiện cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn nghiệp vụ thực tế của từng cấp Toà án.
Theo đó, thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện được quy định như sau:
- Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 Bộ luật Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
- Tranh chấp về kinh doanh thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
- Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
- Những tranh chấp trên mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.
Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 “Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con,…”, trường hợp này xuất hiện yếu tố đương sự ở nước ngoài nhưng vẫn thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.
Về thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh: Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Việc xác định rõ thẩm quyền của Toà án theo cấp co ý nghĩa rất lớn, tránh tình trạng vượt cấp hay thụ lý nhầm.
3. Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của đương sự.
Việc xác định thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, đúng đắn, bảo đảm được lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Việc xác định thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự tham gia tố tụng. Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ được quy định tại Điều 39, 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ được xác định trong trường hợp tranh chấp là bất động sản: Đối với tranh chấp có đối tượng là bất động sản, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì chỉ Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết. Quy định như vậy bởi Toà án nơi có bất động sản sẽ là Toà án có điều kiện tốt nhất để tiến hành xác minh, xem xét tại chỗ tình trạng của bất động sản và thu thập các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến bất động sản.
Bên cạnh đó, để bảo đảm thuận tiện cho nguyên đơn trong việc tham gia tố tụng, tại điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt cho chủ thể khởi kiện.
Ý nghĩa của nguyên tắc xác định thẩm quyền của Toà án
Việc xác định thẩm quyền của Toà án không chỉ có ý nghĩa đối với toà án mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với đương sự.
- Đối với Toà án:
+ Việc quy định rạch ròi thẩm quyền của Toà án sẽ là cơ sở pháp lý đề xác định một vụ việc dân sự cụ thể có thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hay không. Từ đó, Toà án có thể thụ lý và giải quyết vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của mình, tránh sự chồng chéo, không thống nhất, tốn thời gian, công sức.
+ Việc xác định thẩm quyền của Toà án sẽ tránh được sự chống chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa Toà án với cơ quan nhà nước và giữa các Toà án với nhau. Điều này sẽ giúp cho Toà án có thể giải quyết nhanh chóng và đúng đắn có vụ việc dân sự, nâng cao được hiệu quả giải quyết.
+ Xác định được những điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tại Toà án. Từ đó có những kế hoạch đáp ứng bảo đảm cho Toà án thực hiện được tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
- Đối với đương sự:
+ Việc xác định rõ thẩm quyền của Toà án sẽ là cơ sở để đương sự yêu cầu tòa án giải quyết các việc dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự.
+ Đương sự sẽ xác định được Toà án có thẩm quyền để gửi đơn yêu cầu Toà án, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia tố tụng, giúp đương sự nhanh chóng thực hiện quyền khởi kiện để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh được việc gửi đơn lên tòa án không có thẩm quyền gây mất thời gian và chi phí.
Trên đây là nội dung tư vấn về nguyên tắc xác định thẩm quyền của Toà án trong vụ án dân sự.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
🌍 Website: sjklaw.vn
📩 Email: sjk.law@hotmail.com
☎ Hotline: 0962420486