NGUYÊN TẮC TRANH TỤNG TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
Tranh tụng là một phần không thể thiếu trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự, Thẩm phán khi tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện để đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm để ra bản án, quyết định đúng pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến một số nội dung cơ bản của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.
Khái niệm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự
Tranh tụng có thể hiểu là tranh luận trong tố tụng. Tranh tụng trong tố tụng dân sự bao hàm cả hoạt động tranh tụng trước khi mở phiên toà, tranh luận tại phiên toà và tranh tụng sau khi có quyết định giải quyết vụ án dân sự.
Theo nghĩa rộng, tranh tụng là một quá trình bắt đầu từ khi có yêu cầu khởi kiện, khởi tố và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Còn theo nghĩa hẹp, quá trình tranh tụng được tiến hành tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm khi có sự tham gia tranh luận của các bên đương sự.
Tóm lại, tranh tụng trong tố tụng dân sự là quá trình xác định sự thật khách quan về vụ án được bắt đầu từ khi có yêu cầu khởi kiện và kết thúc khi bản án, quyết định có hiệu pháp luật theo đó các chủ thể tham gia tố tụng được đưa ra chứng cứ, căn cứ pháp lý và lý lẽ chứng minh, biện luận để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án theo những trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự quy định.
Nội dung của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự
Điều 24 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự như sau:
- Thứ nhất, Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật tố tụng.
Toà án có trách nhiệm bảo đảm cho các đương sự thực hiện quyền tranh tụng một cách bình đẳng, công khai và đúng pháp luật; bản án, quyết định của Toà án phải căn cứ dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên toà. Để đương sự có thể thực hiện được đầy đủ quyền của mình thì Tòa án phải là cơ quan đảm bảo cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác hiểu biết và đủ điều kiện cơ bản để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong đó phải kể đến đó là quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của họ theo quy định của pháp luật.
- Thứ hai, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Các chủ thể tham gia tranh tụng được bình đẳng trong việc thực hiện quyền tranh tụng. Các đương sự có quyền được biết và trình bày ý kiến về những vấn đề mà người khác có yêu cầu đối với mình về quyền và nghĩa vụ dân sự. Việc tranh tụng chỉ thực sự hiệu quả nếu mỗi đương sự được biết đầy đủ và toàn diện các yêu cầu cũng như chứng cứ và lý lẽ nhằm chống lại họ. Đương sự là những người biết rõ nguyên nhân cũng như các tình tiết liên quan đến vụ án, do đó, đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp, thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án.
- Thứ ba, trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại Khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.
Tòa án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho các chủ thể tranh tụng được thực hiện quyền tranh tụng để ra bản án, quyết định đúng pháp luật.
Ý nghĩa của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự
- Thứ nhất, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự sẽ tạo cơ sở để các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước Toà án. Khi tranh tụng, các đương sự sẽ có điều kiện, cơ hội để trình bày, đưa ra các luận điểm chứng minh cho quyền lợi hợp pháp của mình cũng như phản biện lại quan điểm phía bên kia để làm rõ sự thật khách quan vụ án.
- Thứ hai, nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng là cơ sở pháp lý đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, tính khách quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Thứ ba, kết quả tranh tụng sẽ là cơ sở để Tòa án ra bản án, quyết định. Nguyên tắc tranh tụng góp phần đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án tuyên là có căn cứ và hợp pháp, đảm bảo công lý, công bằng trong xét xử.
Trên đây là nội dung tư vấn về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
🌍 Website: sjklaw.vn
📩 Email: sjk.law@hotmail.com
☎ Hotline: 0962420486