NGHĨA VỤ CHỨNG MINH TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
  • 16/122021
  • Chuyên viên Thùy Linh

NGHĨA VỤ CHỨNG MINH TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Trong tố tụng hình sự, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền còn trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, người khởi kiện. Chứng minh trong tố tụng dân sự là một hoạt động tố tụng mang tính chất quyết định đến kết quả giải quyết vụ việc dân sự. Bài viết này sẽ cung cấp một số quy định của pháp luật hiện hành về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự.

Khái niệm chứng minh trong tố tụng dân sự

Chứng minh trong tố tụng dân sự là hoạt động tố tụng của các chủ thể tố tụng theo quy định của pháp luật nhằm làm rõ các sự kiện, tình tiết của vụ việc dân sự.

Bản chất của hoạt động chứng minh của các chủ thể tố tụng không chỉ thể hiện ở chỗ xác định các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự mà còn thể hiện ở chỗ phải chứng minh mọi người thấy điều mình đề cập là có thật và hợp pháp. Nghĩa vụ chứng minh được diễn ra trong suốt quá trình giải quyết vụ việc dân sự từ khi khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự đến khi toà án ra quyết định giải quyết vụ việc dân sự.

Quy định về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự

Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự. Theo đó:

- Khi đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây thì nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về người bị yêu cầu:

+ Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện nhằm chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

+ Trường hợp đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.

+ Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì trường hợp này nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động.

+ Trường hợp pháp luật có quy định khác về nghĩa vụ chứng minh.

- Việc đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải được thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.

-  Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

-  Trường hợp đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.

Từ những quy định trên có thể thấy, mỗi bên đương sự có nghĩa vụ phải chứng minh các sự kiện, tình tiết mà mình đã viện dẫn làm cơ sở cho những yêu cầu và phản đối của mình. Các quy định này xuất phát từ cơ sở khi yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích cho mình với tư cách là người trực tiếp tham gia vào các quan hệ pháp luật có vi phạm hay tranh chấp, đương sự là người hiểu rõ nhất vì sao họ có yêu cầu đó, họ biết được những tình tiết, sự kiện trong vụ việc, do đó có khả năng cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Về mặt tâm lý, khi đưa ra yêu cầu của mình bao giờ đương sự cũng là người đứng ở thế chủ động, tự nguyện đưa ra những lý lẽ để chứng minh, bênh vực cho quyền lợi của mình.

Trường hợp đương sự không cần phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh

Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì những tình tiết, sự kiện sau đây sẽ không phải chứng minh:

- Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận.

- Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật;

- Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp; trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ tính khách quan của những tình tiết, sự kiện này hoặc tính khách quan của văn bản công chứng, chứng thực thì Thẩm phán có thể yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực xuất trình bản gốc, bản chính.

Ngoài ra, nếu một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh.

Nếu đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm vi đại diện.

Trên đây là nội dung tư vấn về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự.

-------------------------------------------------

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖

📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

🌍 Website: sjklaw.vn

📩 Email: sjk.law@hotmail.com

☎ Hotline: 0962420486

Tags : Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Chứng minh, Nghĩa vụ chứng minh, Sjklaw, thủ tục, Tố tụng dân sự
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: