THỦ TỤC KHỞI KIỆN TRANH CHẤP VỀ THỪA KẾ
  • 09/122021
  • Chuyên viên Thùy Linh

THỦ TỤC KHỞI KIỆN TRANH CHẤP VỀ THỪA KẾ

Di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người đã chết, quyền về tài sản của người đó. Nói một cách dễ hiểu, di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Trên thực tế, có không ít trường hợp nhận thừa kế phát sinh ra các tranh chấp do không phù hợp với ý chí của các bên, do đó họ đã tìm đến con đường khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vậy trình tự, thủ tục khởi kiện tranh chấp về thừa kế được thực hiện như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số quy định liên quan đến thủ tục khởi kiện tranh chấp về thừa kế.

Tranh chấp về thừa kế là gì?

Tranh chấp là những mâu thuẫn và xung đột phát sinh trong đời sống giữa các cá nhân, tổ chức trong các quan hệ xã hội. Khi tham gia các quan hệ dân sự, tranh chấp xảy ra là điều không thể tránh khỏi do mong muốn và ý chí của các chủ thể khác nhau. Có thể hiểu tranh chấp về thừa kế là những mâu thuẫn giữa các cá nhân, tổ chức có thể được hưởng di sản hoặc không được hưởng di sản về các vấn đề phát sinh trong vấn đề thừa kế.

Các loại tranh chấp về thừa kế phổ biến

Tranh chấp về thừa kế rất đa dạng, tuy nhiên, có thể nhắc tới một số tranh chấp thừa kế chủ yếu sau:

- Thứ nhất, tranh chấp về di sản thừa kế (tranh chấp về xác định đâu là di sản, di sản là tài sản chung của vợ chồng,…).

- Thứ hai, tranh chấp về người được hưởng di sản (tranh chấp về người được hưởng thừa kế theo di chúc, xác định hàng thừa kế theo quy định của pháp luật, ai được hưởng thừa kế kế vị,…).

- Thứ ba, tranh chấp về nghĩa vụ của người được hưởng di sản (tranh chấp về thứ tự ưu tiên thanh toán, tranh chấp về nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế,…).

- Thứ tư, tranh chấp về quyền từ chối hưởng di sản (tranh chấp về điều kiện từ chối hưởng di sản, khi nào được từ chối hưởng di sản,…).

Nộp đơn khởi kiện tranh chấp thừa kế ở đâu?

Tranh chấp về thừa kế được khởi kiện tại Toà án nhân dân, việc xác định toà án có thẩm quyền được thực hiện như sau:

- Thứ nhất, xác định Toà án theo cấp.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 26, Điều 35 và Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:

+ Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những vụ tranh chấp thừa kế theo thủ tục sơ thẩm.

+ Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ tranh chấp thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

- Thứ hai, xác định Toà án theo lãnh thổ.

Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế theo thủ tục sơ thẩm là toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức).

Ngoài ra, các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn (nếu nguyên đơn là cá nhân) hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn (nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức) giải quyết những tranh chấp về thừa kế.

Nếu đối tượng tranh chấp thừa kế là bất động sản thì chỉ Toà án nơi có bất động sản mới có thẩm quyền giải quyết.

Ai được khởi kiện tranh chấp về thừa kế?

Không phải ai cũng có quyền khởi kiện tranh chấp về thừa kế. Nếu người không có quyền khởi kiện đi khởi kiện tranh chấp thì Toà án sẽ không thể thụ lý đơn khởi kiện đó.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người có quyền khởi kiện là người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định trong một số trường hợp cụ thể hoặc người trực tiếp có thể yêu cầu toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc người đó bị xâm phạm.

Pháp luật có quy định về một số trường hợp đặc biệt như sau:

- Thứ nhất, nguyên đơn là người chưa đủ 06 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Căn cứ vào khoản 4 Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người đại diện theo pháp luật của họ sẽ thực hiện việc khởi kiện.

- Thứ hai, nguyên đơn là người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì người đại diện hợp pháp của họ thực hiện việc khởi kiện (Khoản 5 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

- Thứ ba, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người được quyền khởi kiện là người được Toà án quyết định.

- Thứ tư, nguyên đơn là cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó có quyền khởi kiện.

Như vậy, trong các vụ án tranh chấp về thừa kế thì người có quyền khởi kiện thường là người được hưởng di sản thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật hoặc giám hộ của họ.

Hồ sơ khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế

Hồ sơ khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế bao gồm:

- Đơn khởi kiện (theo mẫu);

- Các giấy từ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản như: Giấy khai sinh; Căn cước công dân; Giấy chứng nhận kết hôn; Sổ hộ khẩu; Giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế.

- Di chúc (nếu có);

- Giấy chứng tử của người để lại di sản;

- Bảng kê khai di sản;

- Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản.

- Các giấy tờ khác có liên quan.

Thủ tục khởi kiện tranh chấp về thừa kế

- Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện.

Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ gồm các tài liệu cần thiết nêu trên gửi đến Toà án có thẩm quyền thông qua 3 hình thức: gửi trực tiếp, gửi trực tuyến hoặc gửi thông qua dịch vụ bưu chính.

- Bước 2: Xử lý đơn khởi kiện.

Toà án qua bộ phận tiếp nhận đơn, nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện.

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, bộ phận tại Toà án tiếp nhận đơn và ghi vào sổ nhận đơn.

+ Trường hợp hồ sơ có thiếu sót, cần bổ sung, bộ phận tại Toà án yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện kèm văn bản lý do.

+ Trường hợp đơn khởi kiện không thuộc thẩm quyền thì chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác;

+ Trong trường hợp khác theo quy định của pháp luật, Toà án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

- Bước 3: Xem xét thụ lý, giải quyết tranh chấp về thừa kế.

Thẩm phán được phân công tiến hành xem xét, thụ lý, giải quyết tranh chấp về thừa kế. Một số hoạt động được tiến hành trong thời gian này bao gồm:

+ Chánh án Toà án quyết định phân công Thẩm phán thụ lý vụ án;

+ Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí;

+ Chánh án Toà án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

+ Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

+ Toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Bước 4: Ra bản án, quyết định giải quyết tranh chấp về thừa kế.

Toà án tiến hành mở phiên toà xét xử, ra bản án, quyết định giải quyết tranh chấp.

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế

Tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này....”

Ngoài ra, Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định cụ thể về thời hiệu thừa kế như sau:

- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

+ Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015;

+ Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015.

- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, thời hiệu để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế, bác bỏ quyền thừa kế sẽ được tính từ thời điểm mở thừa kế. Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục khởi kiện tranh chấp về thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành.

-------------------------------------------------

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖

📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận cầu giấy Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

🌍 Website: sjklaw.vn

📩 Email: sjk.law@hotmail.com

☎ Hotline: 0962420486

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: