THỦ TỤC KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
  • 08/122021
  • Chuyên viên Thùy Linh

THỦ TỤC KHỞI KIỆN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tranh chấp đất đai có thể được giải quyết tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án. Việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức nào là do các bên lựa chọn. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên thường lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng cách khởi kiện ra Toà án. Vậy khởi kiện tranh chấp đất đai ra Toà án cần có những hồ sơ và trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ nêu rõ các quy định của pháp luật hiện hành về khởi kiện tranh chấp đất đai.

1. Điều kiện khởi kiện tranh chấp đất đai.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không có điều khoản riêng quy định về điều kiện khởi kiện vụ án. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 26, Điều 186, Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định tại Khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án thì có thể nhận thấy, khi khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai người khởi kiện cần đáp ứng những điều kiện sau:

- Người khởi kiện có quyền khởi kiện;

- Thuộc thẩm quyền của Toà án theo loại việc;

- Tranh chấp chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

- Phải được hoà giải tại Uỷ ban nhân dân cấp xã.

2. Đơn khởi kiện tranh chấp đất đai

Căn cứ vào quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện”. Theo đó, người khởi kiện có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.

Đơn khởi kiện sẽ bao gồm các nội dung chính sau:

- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện.

- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện.

- Tên, địa chỉ hoặc trụ sở của người khởi kiện.

- Tên, địa chỉ hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ (nếu có).

- Tên, địa chỉ hoặc trụ sở của người bị kiện.

- Tên, địa chỉ hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có).

- Số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử của từng người (nếu có).

- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có).

- Các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì có thể nộp tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Người khởi kiện sẽ bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Nếu đơn khởi kiện không đủ các nội dung theo quy định trên thì Thẩm phán sẽ thông báo để người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Trường hợp người khởi kiện không tiến hành sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện.

3. Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai.

Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai bao gồm:

- Đơn khởi kiện (theo mẫu, bao gồm các nội dung cơ bản nêu trên);

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất;

- Biên bản hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

- Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của người khởi kiện (Bản sao);

- Sổ hộ khẩu (Bản sao);

- Các giấy tờ liên quan khác.

4. Xác định thẩm quyền toà án giải quyết tranh chấp đất đai.

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền của Toà án gồm có: thẩm quyền theo loại việc; thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo lãnh thổ.

- Xác định thẩm quyền theo loại việc.

Căn cứ khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

- Xác định thẩm quyền theo cấp.

Theo điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện; trừ trường hợp có đương sự ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

- Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ: theo điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản mới có thẩm quyền giải quyết.

Như vậy, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản sẽ có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp là bất động sản, trừ trường hợp có đương sự ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện ở nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

5. Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai.

- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai.

Người khởi kiện chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ nêu trên và gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu; chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền bằng các phương thức sau đây:

+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;

+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

- Bước 2: Toà án xem xét đơn khởi kiện.

+ Nộp tiền tạm ứng án phí: Nếu hồ sơ khởi kiện đầy đủ và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí; người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

+ Trường hợp hồ sơ khởi kiện không đầy đủ, Thẩm phán thông báo để người khởi kiện sửa đổi, bổ sung.

+ Cung cấp, bổ sung các tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án.

- Bước 3: Toà án ra thông báo thụ lý vụ án.

Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện đã nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn; bị đơn; cơ quan, tổ chức; cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

Trường hợp nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án hỗ trợ trong việc gửi tài liệu, chứng cứ thì kèm theo thông báo về việc thụ lý vụ án, Tòa án gửi cho bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bản sao tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp.

- Bước 4: Giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Thời gian chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Trong giai đoạn này, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được.

Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo; kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Trường hợp các bên hòa giải không thành, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Bước 5: Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án.

Sau khi có bản án sơ thẩm, đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với trường hợp đương sự; đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

6. Án phí giải quyết tranh chấp đất đai.

- Về chủ thể chịu án phí trong tranh chấp đất đai.

Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và khoản 2 Điều 26 Nghị định số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án thì chủ thể chịu án phí sơ thẩm bao gồm:

+ Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận; trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

+ Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

+ Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.

+ Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.

+ Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.

- Các loại án phí trong tranh chấp đất đai.

Căn cứ vào Điều 24 Nghị định số 326/2016/UBTVQH14 thì vụ án tranh chấp đất đai bao gồm các loại án phí cơ bản sau:

+ Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp đất đai không có giá ngạch;

+ Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp đất đai có giá ngạch;

+ Án phí dân sự phúc thẩm.

Tùy thuộc vào nội dung tranh chấp mà Tòa án sẽ xác định tranh chấp đất đai thuộc tranh chấp có giá ngạch hay không có giá ngạch.

- Về mức đóng án phí tranh chấp đất đai.

Đối với tranh chấp đất đai không có giá ngạch, ví dụ: tranh chấp đòi lại nhà đất cho mượn, cho ở nhờ; tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất;… thì án phí là 300.000 đồng.

Đối với tranh chấp đất đai có giá ngạch như những tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần. Mức án phí được xác định như sau:

+ Từ 6.000.000 đồng trở xuống thì mức án phí phải nộp cho Tòa là 300.000 đồng.

+ Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng thì mức án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp.

+ Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng thì mức án phí là 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.

+ Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng thì mức án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng.

+ Tài sản có giá trị từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng thì mức án phí phải nộp là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng

+ Tài sản có giái trị từ trên 4.000.000.000 đồng thì mức án phí là 112.000.000 đồng + 0.1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

Theo đó người có yêu cầu khởi kiện; yêu cầu độc lập; yêu cầu phản tố phải đóng tạm ứng án phí căn cứ trên giá trị tài sản tranh chấp mà người đó yêu cầu. Mức tạm ứng án phí đối với tranh chấp đất đai có giá ngạch bằng 50% mức án phí tính theo giá trị tài sản có tranh chấp.

Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai tại Toà án.

-------------------------------------------------

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖

📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận cầu giấy Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

🌍 Website: https://sjklaw.vn/thu-tuc-thay-doi-chu-so-huu-do-trong...

📩 Email: sjk.law@hotmail.com

☎ Hotline: 0962420486

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: