QUY ĐỊNH VỀ CHỨNG CỨ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
  • 13/122021
  • Chuyên viên Thùy Linh

QUY ĐỊNH VỀ CHỨNG CỨ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, có một hoạt động diễn ra xuyên suốt đó là chứng minh. Chứng minh là hoạt động tố tụng nhằm làm rõ các sự kiện, tình tiết của vụ việc dân sự. Để việc chứng minh đạt được hiệu quả tốt nhất thì các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng cần phải có các chứng cứ thiết thực liên quan đến vụ án. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số quy định của pháp luật hiện hành về chứng cứ trong tố tụng dân sự.

Chứng cứ trong tố tụng dân sự là gì?

Chứng cứ và một phần rất quan trọng để chứng minh cho vụ việc dân sự. Thông qua chứng cứ, các đương sự có cơ sở xác đáng để chứng minh và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các cơ quan tiến hành tố tụng có đủ hay không đủ điều kiện để xác định tình tiết của vụ việc dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân và bảo vệ pháp luật.

Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có định nghĩa về chứng cứ như sau: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.

Như vậy, chứng cứ là những gì phản ánh sự thật khách quan, được đương sự và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc được Toà án thu thập theo trình tự, thủ tục do luật định.

Phân loại chứng cứ

Chứng cứ được phân loại dựa trên ba căn cứ chủ yếu sau:

- Căn cứ vào hình thức tạo thành chứng cứ:

+ Chứng cứ gốc: là những sự kiện thực tế đầu tiên về sự kiện cần chứng minh. Thông tin này có liên quan trực tiếp đến sự kiện cần chứng minh.

+ Chứng cứ thuật lại: là những chứng cứ được sao chép lại từ những chứng cứ khác.

- Căn cứ vào nguồn thu nhận chứng cứ:

+ Chứng cứ theo người: là những chứng cứ được lấy từ lời khai của đương sự, người làm chứng, từ kết luận của giám định viên.

+ Chứng cứ theo vật: là những chứng cứ được Tòa án thu thập từ những vật khác nhau và giấy tờ, tài liệu có liên quan.

- Căn cứ vào mối liên hệ giữa chứng cứ với những sự kiện cần chứng minh:

+ Chứng cứ trực tiếp: là những sự kiện, tình tiết, tin tức mà qua đó Tòa án có thể xác định ngay được mức độ đúng, sai các yêu cầu của đương sự. Ví dụ, bản di chúc có chữ ký của người chết, hoặc hợp đồng mua bán tài sản có chữ ký của các bên,…

+ Chứng cứ gián tiếp: là chứng cứ có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong hoạt động chứng minh. Chứng cứ gián tiếp góp phần tạo cơ sở nhận định đầy đủ, toàn diện các tình tiết, sự kiện giúp Tòa án có kết luận giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.

Nguồn của chứng cứ

Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì chứng cứ được thu thập từ các nguồn chủ yếu sau:

- Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử. Dữ liệu điện tử ở đây là các ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Loại chứng cứ này thường chỉ xuất hiện trong các vụ án liên quan đến công nghệ thông tin, việc thu thập loại chứng cứ cũng đòi hỏi nhiều biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành.

- Vật chứng;

- Lời khai của đương sự;

- Lời khai của người làm chứng;

- Lời khai của người làm chứng;

- Kết luận giám định: là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định.

- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;

- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản. Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập ra để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu.

- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;

- Văn bản công chứng, chứng thực;

- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Việc xác định chứng cứ

Việc xác định chứng cứ được quy định cụ thể tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó:

- Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc nếu là bản sao thì phải có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

- Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

- Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

- Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc;

- Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hoặc được khai bằng lời tại phiên tòa.

- Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

- Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

- Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

-  Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ nếu đáp ứng điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.

Giao nộp tài liệu, chứng cứ

Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trong trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ, tài liệu. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án sẽ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để giải quyết vụ việc dân sự.

Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì phải được lập biên bản. Biên bản này cần ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản này được lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ.

Đối với trường hợp đương sự giao nộp cho Toà án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ: thời hạn này do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Đối với trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Còn đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.

Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự khác.

Trên đây là nội dung tư vấn các quy định của pháp luật hiện hành về chứng cứ trong tố tụng dân sự.

-------------------------------------------------

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖

📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

🌍 Website: sjklaw.vn

📩 Email: sjk.law@hotmail.com

☎ Hotline: 0962420486

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: