MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ
Một số quy định của pháp luật hiện hành về khởi kiện vụ án dân sự
Giao dịch dân sự hàng ngày giữa các bên sẽ khó tránh khỏi những tranh chấp phát sinh do các bên vi phạm quyền và nghĩa vụ. Nếu các bên không thể tự thoả thuận với nhau để giải quyết tranh chấp thì một trong các bên có thể khởi kiện lên toà án để giải quyết tranh chấp (khởi kiện vụ án dân sự). Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến một số quy định của pháp luật hiện hành về khởi kiện vụ án dân sự.
Vụ án dân sự và khởi kiện vụ án dân sự là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm “vụ án dân sự” và “khởi kiện vụ án dân sự”. Tuy nhiên, dựa trên thực tiễn có thể hiểu vụ án dân sự là những tranh chấp phát sinh khi các bên vi phạm quyền và nghĩa vụ mà không thể tự thỏa thuận tìm ra phương án giải quyết, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình một trong các bên hoặc các bên lựa chọn khởi kiện lên Tòa án có thẩm quyền để được phân xử. Các tranh chấp dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự là các tranh chấp từ các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ dân sự trong đời sống xã hội khác.
Căn cứ Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền khởi kiện: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Khởi kiện là một trong những quyền của con người để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp dưới góc độ quyền con người theo quy định pháp luật. Khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc các chủ thể khác có quyền dân sự bị xâm phạm có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án, yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và yêu cầu tòa án có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền dân sự phải chấm dứt hành vi trái pháp luật, bồi thường thiệt hại hoặc phải chịu chế tài phạt vi phạm.
Ý nghĩa của việc khởi kiện vụ án dân sự.
Thứ nhất, khởi kiện vụ án dân sự là cơ sở pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Đây là hành vi đầu tiên của các chủ thể trong quan hệ tranh chấp đưa vấn đề tranh chấp ra trước tòa án và khởi động một quá trình tố tụng. Chỉ khi có đơn yêu cầu khởi kiện của chủ thể thì tòa án mới xem xét có thụ lý giải quyết hay không. Quyền khởi kiện của cá nhân, tổ chức, cơ quan là xuất phát tự ý chí của chính họ, họ có quyền tự thỏa thuận và tự định đoạt đối với các tranh chấp dân sự.
Thứ hai, thông qua hoạt động xét xử, tòa án góp phần bảo vệ và củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa đồng thời nâng cao hiệu quả xét xử, xác lập chế độ trách nhiệm cao với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân với chế độ.
Quyền khởi kiện vụ án dân sự.
Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Ngoài ra, Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định cụ thể như sau:
“1. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
2. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
4. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
5. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”.
Như vậy, khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua người khác (người đại diện hợp pháp) để khởi kiện. Trong một số trường hợp, pháp luật còn cho phép một số đối tượng nhất định có quyền khởi kiện nhằm đảm bảo công lý, công bằng trong xã hội khi cho rằng quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng hoặc lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm.
Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự.
Để khởi kiện vụ án dân sự, chủ thể khởi kiện cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện và có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
Trước tiên, chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện như đã nêu trên. Ngoài ra, chủ thể khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện để tham gia tố tụng dân sự. Cá nhân có năng lực hành vi tố tụng dân sự và có quyền, lợi ích bị xâm hại thì tự mình khởi kiện. Trường hợp cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng dân sự mà có quyền lợi cần được bảo vệ mà họ không thể tự mình khởi kiện vụ án thì phải do người đại diện thay mặt để thực hiện việc khởi kiện vụ án. Cá nhân khi đã có năng lực chủ thể đầy đủ thì phải tự mình ký đơn khởi kiện, sau khi Tòa án thụ lý thì họ có quyền làm giấy ủy quyền cho một người khác có năng lực hành vi thay mặt mình tham gia tố tụng, trừ việc ly hôn.
Thứ hai, vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Theo đó, vụ án khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 26, Điều 28, Điều 30 và Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (thẩm quyền theo vụ việc); Vụ án phải được khởi kiện đúng cấp Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (thẩm quyền theo cấp); Và phải đúng thẩm quyền theo lãnh thổ (Điều 39). Ngoài ra, nguyên đơn có thể lựa chọn Tòa án giải quyết (Điều 40).
Với những tranh chấp trong vụ án dân sự mà pháp luật có quy định phải yêu cầu cơ quan khác giải quyết trước thì chủ thể khởi kiện chỉ được khởi kiện vụ án ra tòa án khi cơ quan hữu quan đã giải quyết mà họ không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan đó.
Thứ ba, vụ việc chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.
Để bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền, một vụ việc đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thì không được giải quyết lại nên không có quyền khởi kiện đối với vụ việc này. Tuy nhiên, đối với một số vụ việc do đặc điểm, tính chất của quan hệ pháp luật nội dung cần giải quyết và yêu cầu của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, pháp luật quy định Tòa án được giải quyết lại nên có thể khởi kiện lại.
Thứ tư, vụ án dân sự vẫn còn thời hiệu khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện đối với những vụ án dân sự được quy định chung trong Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 185 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015) và quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành như luật hôn nhân và gia đình, luật lao động,… Hết thời hạn đó thì chủ thể mất quyền khởi kiện trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc quy định thời hạn để tiến hành việc khởi kiện vụ án nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân không bị xâm phạm và đồng thời đảm bảo quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng đúng đắn và đảm bảo cho quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự khác được thuận lợi.
Đơn khởi kiện vụ án dân sự.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Ngoài ra, kèm theo đơn khởi kiện còn phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Về mặt hình thức: Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ.
Trong trường hợp người khởi kiện không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì phải có người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng.
Trên đây là một số quy định của pháp luật hiện hành về khởi kiện vụ án dân sự.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận cầu giấy Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
🌍 Website: sjklaw.vn
📩 Email: sjk.law@hotmail.com
☎ Hotline: 0962420486