HOÀ GIẢI TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
Hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm bởi thông qua phương thức này sẽ rút ngắn được quá trình tố tụng, giảm thiểu chi phí tố tụng. Ngoài ra, hoà giải cũng có ý nghĩa xã hội sâu sắc trong việc củng cố tình thân, giữ gìn khối đoàn kết cộng đồng. Do đó, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, Toà án có trách nhiệm hoà giải với hầu hết các vụ án để giúp các đương sự thoả thuận với nhau việc giải quyết vụ án.
Hoà giải vụ án dân sự là gì?
Hoà giải vụ án dân sự là hoạt động tố tụng do toà án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thoả thuận với nhau về giải quyết vụ án dân sự.
Cơ sở của hoà giải vụ án dân sự là dựa trên quyền tự định đoạt của đương sự. Để giải quyết vụ án dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, toà án không chỉ xét xử mà còn tiến hành hoà giải vụ án dân sự. Tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định toà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật này.
Sau khi thụ lý vụ án, để giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành giải thích pháp luật, giúp đỡ các đương sự giải quyết những mâu thuẫn và thỏa thuận với nhau về việc giải quyết các vấn đề của vụ án dân sự có tranh chấp. Hoạt động này của Tòa án được gọi là hòa giải vụ án dân sự.
Ý nghĩa của hoà giải vụ án dân sự
Việc hoà giải thành vụ án dân sự có các ý nghĩa sau đây:
- Khi Toà án hoà giải thành vụ án dân sự thì không cần phải mở phiên toà xét xử vụ án, từ đó giảm bớt một giai đoạn tố tụng kéo dài và cực kì phức tạp, tiết kiệm được thời gian, tiền của cho Nhà nước cũng như cho nhân dân;
- Hoà giải thành vụ án dân sự sẽ giúp Toà án giải quyết được được mâu thuẫn giữa các đương sự, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Ngoài ra, việc hoà giải còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật, nâng cao trình độ dân trí, giáo dục nếp sống và làm việc theo pháp luật trong nhân dân. Trong trường hợp hoà giải vụ án dân sự không thành thì việc hoà giải cũng giúp toà án có điều kiện nắm vững hơn nội dung vụ án, hiểu biết rõ hơn tâm tư, tình cảm của đương sự cũng như những vướng mắc trong suy nghĩ của họ, từ đó có thể xác định được đường lối giải quyết vụ án khi đưa vụ án ra xét xử.
Nguyên tắc tiến hành hoà giải
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, việc hoà giải vụ án dân sự được tiến hành theo các nguyên tắc sau:
- Tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;
- Việc hoà giải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật; nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Ngoài ra, để hoà giải được vụ án, việc hoà giải còn phải vừa tích cực, vừa kiên trì. Tích cực để có thể giải quyết nhanh chóng vụ án, không để việc hoà giải kéo dài vô ích khi không có khả năng hoà giải nhưng phải kiên trì giải thích cho đương sự hiểu rõ pháp luật áp dụng để giải quyết vụ án và đi sâu giải quyết các khúc mắc trong tâm tư tình cảm của họ.
Phạm vi hoà giải vụ án dân sự
- Những vụ án dân sự phải tiến hành hoà giải:
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Toà án có trách nhiệm hoà giải đối với hầu hết các vụ án dân sư để giúp các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không liệt kê những vụ việc phải tiến hành hòa giải mà quy định theo phương pháp loại trừ. Theo đó, phạm vi hoà giải rất rộng, đó là những tranh chấp được quy định tại các điều 26, 28, và 32 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trừ những vụ án không hoà giải được theo quy định tại điều 206 và Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Như vậy, hoạt động hoà giải được tiến hành trước khi xét xử sơ thẩm và là thủ tục bắt buộc, trừ những vụ án không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được quy định tại điều 206 , 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Ngoài ra, theo Điều 246 và Điều 300 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm Toà án cũng hỏi các đương sự có thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không.
- Những vụ án dân sự không được hoà giải:
Những vụ án không được hoà giải là những vụ án mà pháp luật cấm hoà giải, vì hoà giải sẽ đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho các bên vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm tài sản của Nhà nước. Theo điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, những vụ án không được hoà giải bao gồm: Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và những vụ án phát sinh từ giao dịch trái pháp luật và trái với đạo đức xã hội.
Đối với những yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, toà án không tiến hành hoà giải vì tài sản của Nhà nước thuộc sở hữu toàn dân. Bất cứ hành vi nào gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước đều là trái pháp luật và phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đối với những vụ án dân sự phát sinh từ các giao dịch trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội, toà án cũng không tiến hành hoà giải vì các giao dịch vô hiệu. Các bên tham gia giao dịch không thể thoả thuận để giải quyết hành vi vi phạm của mình.
- Những vụ án không tiến hành hoà giải được:
Theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, những vụ án dân sự không tiến hành hoà giải được bao gồm:
+ Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt;
+ Đương sự không thể tham gia hoà giải được vì có lý do chính đáng;
+ Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;
+ Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hoà giải.
Nội dung hoà giải vụ án dân sự
Nội dung hoà giải chính là các vấn đề của vụ án cần được các bên thoả thuận với nhau để giải quyết. Ngoài ra, trong hoà giải, vấn đề án phí cũng sẽ được các bên đương sự bàn bạc thương lượng. Bởi các vấn đề cần giải quyết trong mỗi vụ án khác nhau nên nội dung hoà giải của các vụ án dân sự cũng khác nhau. Tuỳ vào từng vụ án cụ thể mà Toà án phải giúp các đương sự thoả thuận giải quyết những vấn đề nhất định như thoả thuận về mức, phương thức bồi thường thiệt hại trong vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; việc phân chia di sản trong các vụ án về thừa kế,…
Thành phần tham gia phiên hoà giải vụ án dân sự
Điều 209 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thành phần phiên họp hoà giải gồm có:
- Thẩm phán chủ trì phiên họp;
- Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp;
- Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự;
Trong một vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt trong phiên hoà giải nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hoà giải và việc tiến hành hoà giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán sẽ tiến hành hoà giải giữa các đương sự có mặt. Trường hợp các đương sự đề nghị hoãn phiên hoà giải để có mặt đầy đủ tất cả các đương sự trong vụ án thì thẩm phán phải hoãn phiên hoà giải.
- Đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động đối với vụ án lao động khi có yêu cầu của người lao động, trừ những vụ án lao động đã có tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tập thể người lao động, người lao động. Trong trường hợp đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động không tham gia phiên hòa giải thì phải có ý kiến bằng văn bản;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);
- Người phiên dịch (nếu có).
Trình tự, thủ tục tiến hành phiên hoà giải vụ án dân sự
Trước khi mở phiên họp, toà án phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên hoà giải (Điều 208 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
Khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán tiến hành phố biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án (Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Sau khi đã được thẩm phán hướng dẫn và giải thích pháp luật liên quan đến vụ án đang tranh chấp thì sẽ đến lượt nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phát biểu quan điểm của mình về vấn đề đang tranh chấp và đưa ra định hướng giải quyết vụ án.
Khi đương sự thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành, trong đó nêu rõ nội dung tranh chấp và những nội dung đã được đương sự thỏa thuận. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia phiên họp, chữ ký của thư ký Tòa án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên họp. Biên bản phải có các nội dung theo quy định tại Khoản 3 Điều 211 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự
Khi phiên hoà giải kết thúc, các đương sự đã thoả thuận được với nhau giải pháp để giải quyết vụ án một cách phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và được ghi lại trong biên bản hoà giải. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định dành cho các bên đương sự một thời gian cần thiết để họ suy nghĩ, cân nhắc lại tất cả những nội dung mà họ đã thoả thuận giải quyết tranh chấp. Hết thời hạn đó mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì toà án sẽ ra quyết định công nhận.
Tại Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì thẩm phán chủ trì phiên hoà giải hoặc một thẩm phán được chánh án phân công ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự.
Ngoài ra, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, toà án phải tiến hành gửi quyết định đó cho các đương sự và cho viện kiểm sát cùng cấp.
Trên đây là nội dung tư vấn về trình tự, thủ tục hoà giải trong vụ án dân sự.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
🌍 Website: sjklaw.vn
📩 Email: sjk.law@hotmail.com
☎ Hotline: 0962420486