GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ THEO THỦ TỤC RÚT GỌN
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thủ tục tố tụng thông thường được Tòa án áp dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự kéo dài từ 02 tháng đến 06 tháng và chỉ có một thủ tục tố tụng dân sự chung cho việc giải quyết tất cả các loại tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng,… mà các Toà án vẫn tiến hành theo thủ tục chung thì sẽ rất tốn kém, do đó pháp luật cũng có quy định một số trường hợp sẽ được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Thủ tục rút gọn là gì?
Thủ tục rút gọn là sự giản lược và thực hiện các hoạt động đơn giản hóa một số khâu trung gian không cần thiết trong quá trình giải quyết vụ án nhằm xử lý nhanh chóng và kịp thời các vụ án nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, khách quan.
Có thể hiểu, thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng đặc biệt được tòa án áp dụng để giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động có đủ các điều kiện do pháp luật quy định trong một thời hạn ngắn hơn do một thẩm phán tiến hành với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết vụ án dân sự nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng và đúng pháp luật.
Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Tại Điều 316 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn như sau:
- Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 với trình tự đơn giản hơn so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.
- Những quy định của Phần thứ tư trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 được áp dụng để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn; trường hợp không có quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để giải quyết vụ án.
- Trường hợp luật khác có quy định tranh chấp dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì việc giải quyết tranh chấp đó được thực hiện theo thủ tục quy định tại Phần này.
Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự
Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Toà án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, Toà án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau:
+ Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
+ Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
+ Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
- Thứ hai, những vụ án lao động đã được thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn mà người sử dụng lao động có quốc tịch nước ngoài hoặc người đại diện theo pháp luật của họ đã rời khỏi địa chỉ nơi cư trú, nơi có trụ sở mà không thông báo cho đương sự khác và Tòa án được biết thì bị coi là trường hợp cố tình giấu địa chỉ. Tòa án vẫn giải quyết vụ án đó theo thủ tục rút gọn quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
- Thứ ba, ở giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Các tình tiết mới xuất hiện bao gồm:
+ Phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định;
+ Trường hợp cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá;
+ Trường hợp cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
+ Phát sinh thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập;
+ Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Thời hạn giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn
Tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn không quá 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 195 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định”.
Như vậy, có thể thấy, thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn được rút ngắn rất nhiều so với thủ tục thông thường (Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành quy định thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình là 04 tháng và 02 tháng đối với vụ án kinh doanh thương mại, lao động; Thời hạn mở phiên tòa là 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn là 02 tháng).
Tại khoản 3 điều 318 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn phải được gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
🌍 Website: sjklaw.vn
📩 Email: sjk.law@hotmail.com
☎ Hotline: 0962420486