CÁC TRƯỜNG HỢP PHÁT SINH NGHĨA VỤ CẤP DƯỠNG
Trong đời sống hàng ngày khi nghe đến nghĩa vụ cấp dưỡng thì mọi người thường chỉ nghĩ đến các nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ và con là phổ biến nhất. Nhiều người lầm tưởng nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ đặt ra giữa cha mẹ và con. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật hiện hành thì nghĩa vụ cấp dưỡng còn đặt ra đối với vợ và chồng, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, cô, dì, chú, bác đối với cháu. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn nắm rõ được vấn đề này.
Cấp dưỡng là một nghĩa vụ đặt ra giữa những người ràng buộc bởi yếu tố hôn nhân, gia đình và nuôi dưỡng khi không cùng chung sống. Đây là nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân mỗi chủ thể mà không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác hay cũng không thể chuyển giao cho người khác.
Cấp dưỡng có thể thực hiện bằng việc đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người được cấp dưỡng về ăn, mặc ở, điều kiện sinh hoạt thường ngày…
Các trường hợp thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bao gồm:
Thứ nhất, trường hợp cấp dưỡng giữa cha mẹ và con: Luật HN&GĐ quy định cha mẹ khi ly hôn, có con chung là con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi sống mình lâm vào tình trạng túng thiếu sẽ được cha hoặc mẹ người không trực tiếp nuôi dưỡng cấp dưỡng. Pháp luật HN&GĐ năm 2014 cũng quy định tại Điều 82 về nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi dưỡng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Tại Điều 110 cũng quy định rõ trường hợp phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con. Ta thấy cấp dưỡng không chỉ thực hiện khi không sống chung mà khi sống chung nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn phát sinh, đó là khi cha hoặc mẹ vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con mặc dù vẫn sống chung với con.
Thứ hai, trường hợp cấp dưỡng giữa vợ và chồng. Vợ chồng sau khi ly hôn mặc dù quan hệ hôn nhân đã chấm dứt. Tuy nhiên, pháp luật vẫn quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng lâm vào tình trạng khó khăn, túng thiếu, có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Thứ ba, trường hợp cấp dưỡng giữa con đối với cha mẹ, con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ khi đã thành niên, không sống chung với cha mẹ và trong trường hợp cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản tự nuôi sống mình. Được quy định cụ thể tại Điều 111 Luật HN&GĐ năm 2014.
Thứ tư, trường hợp cấp dưỡng giữa anh chị em với nhau, anh chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em khi không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh chị đã thành niên,không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi sống mình. Ngược lại cũng đặt ra nghĩa vụ cấp dưỡng cho em đã thành niên không sống chung với anh chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình.
Thứ năm, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại với cháu. Pháp luật HN&GĐ cũng đặt ra trường hợp cấp dưỡng trong mối quan hệ giữa ông bà đối với cháu, cụ thể: Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng. Đồng thời, cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Pháp luật HN&GĐ.
Cuối cùng là trường hợp cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột. Cụ thể, cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014. Song cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của pháp luật HN&GĐ.
Qua đây ta có thể thấy nghĩa vụ cấp dưỡng không chỉ đặt ra giữa cha mẹ và con mà nghĩa vụ cấp dưỡng được đặt ra với hầu hết các thành viên trong gia đình theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi.
Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ. Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
Luật sư CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW
Hotline yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn: 0962420486
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: sjk.law@hotmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng ./.