SỐNG THỬ CÓ CON NHƯNG KHÔNG CƯỚI CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?
Câu hỏi tư vấn:
Xin chào Luật sư, em và bạn trai quen nhau đã 03 năm, hai bọn em đều đi học và làm ăn xa nhà để tiết kiệm thêm chi phí cũng như để chăm sóc lẫn nhau nên hai chúng em quyết định dọn đến ở chung với nhau. Sau 3 tháng em có mang thai, lúc em thưa chuyện với bạn trai rằng em đã mang thai bạn trai em bày tỏ thái độ kinh ngạc và phán rằng bỏ đi vì bạn trai là con nhà gia giáo không thể lấy một người mà mang thai trước khi cưới và nói em không bỏ bạn ấy cũng có trách nhiệm. Vậy trong trường hợp này bạn trai em có vi phạm pháp luật hay không? Xử lý như thế nào?
Yêu cầu tư vấn:
Chung sống nhưng có thai không kết hôn, xử lý thế nào?
Căn cứ pháp lý:
Luật HN&GĐ năm 2015
Nghị định 82/2020/NĐ-CP
Luật sư tư vấn:
Chào bạn, chúng tôi đã nhận được câu hỏi của bạn, đối với yêu cầu này được Luật sư tư vấn như sau:
Hiện nay,đặc biệt là giới trẻ thì lối sống thử đang rất phổ biến. Ngày càng nhiều hiện tượng các cặp đôi đang yêu nhau dọn về sống thử trước khi kết hôn. Tuy nhiên vấn đề nào cũng có hai mặt, có rất nhiều hệ lụy xảy ra một trong những vấn đề đó là nạn nạp phá thai hay mẹ đơn thân xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy nếu làm cho người phụ nữ mang thai nhưng không cưới có vi phạm pháp luật hay không? Đây là vấn đề thắc mắc được rất nhiều bạn trẻ hay các bậc làm cha mẹ quan tâm khi lớp trẻ quá ngông cuồng và vội vàng chưa thật sự chín chắn quyết định và làm chủ được mọi việc.
Theo quy định của Pháp luật hôn nhân và gia đình chỉ điều chỉnh quan hệ được xác lập giữa vợ và chồng sau khi kết hôn, quan hệ giữa các cặp đôi yêu nhau thì pháp luật không điều chỉnh.
Trong trường hợp của bạn, bạn và bạn trai sống thử và có thai tuy nhiên bạn trai không cưới và ruồng bỏ trách nhiệm thì pháp luật không điều chỉnh phạm trù này, vì việc hai bạn sống chung có tình cảm dẫn đến việc mang thai là hoàn toàn do hai bên tự nguyện, pháp luật không điều chỉnh mà chỉ đang vi phạm quy phạm đạo đức.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn vẫn quyết định giữ và nuôi đứa bé nhưng bạn trai của bạn từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng khi đã có căn cứ, bằng chứng xác minh, xác định quan hệ cha con, quan hệ huyết thống và đã có bản án quyết định của Tòa án yêu cầu cấp dưỡng thì hoàn toàn bị xử lý theo quy định của Pháp luật.
Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp dưỡng với những người mà họ có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng không thực hiện được thể hiện thông qua các hành vi như: không đóng góp tiền, tài sản để thực hiện việc cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để làm việc đó.
Luật HN&GĐ năm 2014 quy định các trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án buộc thực hiện đó là:
Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Pháp luật quy định đối với trường hợp Tòa án đã yêu cấp dưỡng tuy nhiên người có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đó theo bản án sẽ bị xử lý như sau: Tại Nghị định 82/2020 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định.
Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định việc từ chối không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mặc dù đã có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án như sau: Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Đồng thời trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cũng là một loại tội phạm và có hình phạt thích đáng được quy định cụ thể như sau: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Đồng thời, nếu bạn tìm hiểu mà bạn trai bạn có thể đã có quan hệ hôn nhân với người khác nhưng lại chung sống như vợ chồng với bạn thì cũng bị xử lý theo quy định của Pháp luật đó là phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác. Bởi vì pháp luật HN&GĐ quy định quan hệ hôn nhân xây dựng dựa trên nguyên tắc một vợ một chồng. Hành vi chung sống như vợ chồng với người khác khi đang có quan hệ hôn nhân là hành vi bị Pháp luật cấm, là hành vi vi phạm Pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư đối với vấn đề của bạn.
Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ. Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
Luật sư CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW
Hotline yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn: 0962420486
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: sjk.law@hotmail.com
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng ./.