HỢP ĐỒNG SỬ DỤNG QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN
  • 28/102021
  • Trợ lý Luật sư Phạm Hồng

HỢP ĐỒNG SỬ DỤNG QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

1. Khái niệm hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Khi tác phẩm được sáng tạo ra, cuộc biểu diễn được thực hiện, một bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được định hình thì mong muốn của tác giả, chủ sở hữu những đối tượng đó là những sản phẩm do họ làm ra đến được với công chủng càng nhiều càng tốt. Điều này không những mang lại cho họ lợi ích về vật chất mà còn mang lại một lợi ích tinh thần vô cùng lớn lao. Việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng hoàn toàn phụ thuộc vào ý chỉ chủ quan của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Để thực hiện được điều đó một cách thuận lợi và hiệu quả lại không làm mất đi quyền độc quyền sử dụng đối với các quyền tài sản, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có thể thông qua những người khác để thực hiện việc sử dụng đối tượng của mình. Việc thoả thuận sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan giữa chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan với người sử dụng được gọi là HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.

HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là sự thoả thuận giữa các bên mà theo đó bên chuyển giao cho phép cá nhân, tổ chức (gọi là bên sử dụng) sử dụng một hoặc một số quyền nhân thân, quyền tài sản thuộc quyền tác giả, quyền liên quan trong một thời hạn nhất định.

Cũng như hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan cũng phải có sự thoả thuận thống nhất ý chí giữa các bên. Tuy nhiên, nếu trong HĐ chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, bên được chuyển nhượng trở thành chủ sở hữu của các quyền được chuyển giao và có quyền chuyển nhượng các quyền đỏ cho người khác thì trong HĐ sử dụng quyền tác giả mục đích thoả thuận của các bên là nhằm chuyển giao một hoặc một số quyển nhân thân, quyển tài sản cho bên sử dụng được sử dụng trong thời hạn nhất định.

Cùng với các quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan thì HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan sẽ tạo một môi trường thuận lợi để cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, tổ chức cuộc biểu diễn, sản xuất băng ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng... Ngoài ra, HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan còn góp phần bảo vệ quyền lợi cho bên sử dụng, cũng như tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với hoạt động sử dụng các đối tượng của quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung.

2. Đặc điểm của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là phương tiện pháp lí quan trọng để qua đó các đối tượng của quyền tác giả được truyền tải tới công chúng dựa trên cơ sở thoả thuận giữa chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan với bên sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan. Cũng như HĐ chuyển nhượng, HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là HĐ dân sự nên nó cũng có các đặc điểm song vụ, lưng thuận và là HĐ có đền bù hoặc không có đền bù. Tuy nhiên, là HĐ dân sự đặc biệt nên HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan có những đặc điểm riêng sau đây

a) Hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là hợp đồng có sự chuyển giao quyền sử dụng các quyền nhân thân và quyền tài sản

Nếu HĐ chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là HĐ chuyển giao quyền sở hữu thi HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là HĐ chuyển giao quyền sử dụng. Trong HĐ này, bên sử dụng không phải là chủ sở hữu đối với những quyền được chuyển giao và cũng chỉ có quyền sử dụng các quyền đó theo hình thức nhất định được thoả thuận trong HĐ. Tổ chức, cá nhân được chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan chỉ có thể chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

b) Các quyền năng được chuyển giao thuộc quyền tác giả, quyền liên quan bị hạn chế về không gian và thời gian

Quyền nhân thân và quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan chỉ được pháp luật bảo hộ trong thời hạn và trong phạm vi không gian nhất định. Do đó, mặc dù thời hạn và phạm vi sử dụng do các bên thoả thuận trong HĐ nhưng thời hạn và phạm vi đó cũng phải thuộc phạm vi và thời hạn bảo hộ do pháp luật quy định.

3. Phân loại hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Trên thực tế, HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan rất phong phú và đa dạng. Việc phân loại HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan sẽ góp phần tìm hiểu sâu hơn về bản chất của HĐ, tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu và áp dụng. Dựa vào các tiêu chí khác nhau, HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan có thể được chia thành các loại khác nhau sau đây:

- Căn cứ vào năng lực sử dụng quyền có thể phân chia thành HĐ sử dụng độc quyền và HĐ sử dụng không độc quyền.

+ Hợp đồng sử dụng độc quyền được hiểu là HĐsử dụng quyền tác giả, quyền liên quan mà theo đó chỉ có bên được chuyển quyền có quyền sử dụng các quyền được chuyển giao và ngay cả chủ sở hữu cũng không có quyền sử dụng các quyền năng đó trong thời hạn chuyển giao,

+ Hợp đồng sử dụng không độc quyền là HĐ sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan mà các bên có thoả thuận sau khi chuyển nhượng, bên chuyển nhượng vẫn có quyền sử dụng đối tượng của HĐ và vẫn có quyền chuyển giao quyền sử dụng các quyền năng đó cho các chủ thể khác.

Pháp luật sở hữu trí tuệ không quy định rõ trong trường hợp các bên không thoả thuận về năng lực sử dụng quyền thì đây là hợp đồng sử dụng độc quyền hay không độc quyền. Về lí luận có thể nhận thấy chủ sở hữu luôn có quyền sử dụng đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Do đó, nếu các bên không có thoả thuận thì trong trường hợp này hợp đồng được coi là hợp đồng sử dụng không độc quyền và chủ sở hữu vẫn có quyền sử dụng đối với các quyền năng đã chuyển giao.

Khác với tài sản thông thường, quyền tài sản thuộc quyền tác giả, quyền liên quan có thể được sử dụng đồng thời bởi nhiều người khác nhau. Chính vì vậy, việc phân loại này có ý nghĩa giúp xác định chính xác ai là người có quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan để từ đó áp dụng quy chế pháp lí phù hợp bảo vệ chủ thể có quyền sử dụng đó.

- Căn cứ vào phạm vi sử dụng có thể phân chia thành hợp đồng sử dụng một lần và hợp đồng sử dụng nhiều lần:

+ Hợp đồng sử dụng một lần là hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan mà theo đó bên sử dụng chỉ được sử dụng duy nhất một lần đối với các quyền năng đã được chuyển giao và khi bên sử dụng đã sử dụng thì hợp đồng sẽ chấm dứt (mặc dù thời hạn sử dụng có thể vẫn còn). Nếu bên sử dụng muốn sử dụng thêm thì mà không được sự đồng ý của bên chuyển giao thì bị coi như xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo hộ và sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lí nhất định.

+ Hợp đồng sử dụng nhiều lần là hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan mà theo đó thì bên sử dụng có thể sử dụng các quyền năng đã được chuyển giao nhiều lần trong thời hạn đã thoả thuận. Số lần sử dụng các bên có thể ấn định hoặc tuỳ thuộc vào ý chí của bên sử dụng theo thoả thuận giữa các bện. Hợp đồng này tạo điều kiện thuận lợi cho bên sử dụng có thể sử dụng nhiều lần mà không cần phải xin phép hoặc kỉ kết hợp đồng lại với bên chuyển giao.

- Căn cứ vào thời hạn sử dụng có thể chia thành hợp đồng sử dụng có thời hạn xác định hoặc không xác định.

+ Hợp đồng sử dụng có thời hạn xác định được hiểu là hợp động sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan mà theo đó các bên có thoả thuận về thời hạn sử dụng và bên sử dụng chỉ được sử dụng các quyền năng đã chuyển giao trong khoảng thời gian đó.

+ Hợp đồng sử dụng có thời hạn không xác định được hiểu là hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan mà theo đó các bên có thoả thuận về thời hạn sử dụng là không xác định. Trong trường hợp này, bên sử dụng sẽ được sử dụng các quyền đã chuyển giao cho đến hết thời hạn bảo hộ đối với quyền tác giả, quyền liên quan do pháp luật quy định. Tuy nhiên, đây cũng không phải là hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan vì trong thời hạn đó chủ sở hữu hoặc người khác vẫn có quyền sử dụng đối với các quyền năng đó. Ngoài ra, hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan còn có thể được phân loại thành hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù, hợp đồng một người sử dụng hoặc nhiều người sử dụng...

4. Chủ thể của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Chủ thể của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là các bên tham gia hợp đồng và có các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó. Chủ thể của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan gồm có bên chuyển giao và bên sử dụng. Để có thể tham gia hợp đồng thì bên chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan cũng như bên sử dụng tác phẩm phải có năng lực chủ thể, được xác định bởi hai yếu tố là năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.

a) Bên chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Theo quy định tại Điều 47 Luật sở hữu trí tuệ thì bên chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Chủ sở hữu là người có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các quyền năng thuộc phạm vi sở hữu của mình. Do đó, họ có quyền quyết định tự sử dụng hoặc chuyển giao quyền sử dụng đó cho người khác theo thoả thuận. Bên cạnh đó, trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan cho chủ thể khác, họ vẫn là chủ sở hữu của các quyền này và vẫn có quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng hoặc chuyển nhượng các quyền đó cho người khác, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, bên chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan có thể không phải là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Họ có thể là người được chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan nhưng theo thoả thuận với chủ sở hữu họ có quyền chuyển giao lại quyền sử dụng này cho người khác.

Trong trường hợp bên chuyển giao là đồng chủ sở hữu đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thì việc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong trường hợp có đồng chủ sở hữu những tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có thể chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác mà không cần có sự đồng ý của các đồng chủ sở hữu khác.

b) Bên sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Bên sử dụng có thể là cá nhân, tổ chức thông qua hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan tiến hành sử dụng các quyền được bên kia chuyên giao. Do đặc thù của từng loại hình mà bên sử dụng tác phẩm có thể là các nhà xuất bản, các nhà sản xuất bằng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, địa hình, tổ chức phát thanh truyền hình, các tổ chức triển lãm, các đoàn nghệ thuật biểu diễn... Bên sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và được phép sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định.

5. Hình thức của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Hình thức của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là cách thức thể hiện ý chí ra bên ngoài của bên chuyển giao và bên sử dụng dưới hình thức nhất định. Điều 48 Luật sở hữu trí tuệ quy định hình thức của hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được lập thành văn bản . Hình thức văn bản là chứng cứ pháp lí để xác nhận giữa các bên đã tồn tại quan hệ hợp đồng và là cơ sở để toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, qua đó sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi hợp đồng xảy ra tranh chấp.

6. Đối tượng của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Theo quy định tại Điều 47 Luật sở hữu trí tuệ thì đối tượng của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là các quyền nhân thân và quyến tài sản được quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật sở hữu trí tuệ.

Tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm, người biểu diễn không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân được quy định ở khoản 2 Điều 29 của Luật sở hữu trí tuệ cho người khác. Về nguyên tắc, quyền nhân thân là quyền gắn liền với mỗi chủ thể và không thể chuyển giao cho người khác được do đó nó không thể trở thành đối tượng của các hợp đồng chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan.

Như vậy, cũng giống như đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng, đối tượng của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan chủ yếu là các quyền tài sản bao gồm quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền tài sản của người biểu diễn, quyền tài sản của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và quyền tài sản của tổ chức phát sóng.

7. Nội dung của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Nội dung của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là những điều khoản mà các bên tham gia quan hệ hợp đồng thoả thuận và được ghi trong hợp đồng. Theo quy định tại Điều 48 Luật sở hữu trí tuệ thì hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;

- Căn cứ chuyển quyền;

- Giá, phương thức thanh toán;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

Ngoài các nội dung chủ yếu trên, các bên tham gia giao kết hợp đồng có thể thoả thuận về các nội dung khác như phạm vi, điều kiện, hình thức sử dụng, mức nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên khi giao kết hợp đồng, sửa đổi, huỷ bỏ, chấm dứt hợp đồng, trách nhiệm, mức bồi thường của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng.

8. Thời hạn sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Thời hạn sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng mà bên sử dụng và bên chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan phải thoả thuận cụ thể. Trong thời hạn sử dụng, bên sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan mới có quyền sử dụng và khi hết thời hạn đó thì không có quyền sử dụng nữa hoặc bên sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan muốn sử dụng lại phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đó.

Tuy nhiên, thời hạn sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan còn có mối liên quan mật thiết với thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Quyền tác giả, quyền liên quan là loại quyền có thời hạn bảo hộ (trừ những quyền nhân thân gắn liền với tác giả), do đó thời hạn của hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan mặc dù do các bên thoả thuận nhưng phải trong thời hạn quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ.


Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ tới chúng tôi theo phương thức sau:

Tư vấn trực tiếp: Văn phòng giao dịch Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn SJKLaw, Số 3 ngõ 115 Nguyễn Khang, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Dịch vụ luật sư tư vấn qua số điện thoại tổng đài: 0962420468 – 0933192699

Tư vấn qua email: nội dung yêu cầu tư vấn đến địa chỉ email: sjk.law@hotmail.com

Tags : Hợp đồng sử dụng quyền, Quyền liên quan, quyền tác giả
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: