XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI CƯỠNG ÉP KẾT HÔN, LỪA DỐI KẾT HÔN, CẢN TRỞ KẾT HÔN
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI CƯỠNG ÉP KẾT HÔN, LỪA DỐI KẾT HÔN, CẢN TRỞ KẾT HÔN
1. Khái niệm cưỡng ép kết hôn và lừa dối kết hôn
Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn. (Khoản 9 Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014)
=>>Như vậy có thể hiểu là cưỡng ép kết hôn là hành vi tác động của một hay nhiều người buộc một người phải kết hôn trái ý muốn của họ.
Ví dụ: Người phụ nữ bị cưỡng ép kết hôn nếu không sẽ bị người đàn ông phát tán clip nóng trên mạng hay bị ép kết hôn để trả nợ
Lừa dối kết hôn là: hành vi cố ý của một bên hoặc một người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn
Ví dụ: Một người biết mình mắc bệnh hiểm nghèo nhưng lại nói với người sắp kết hôn là khỏe mạnh…
Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Xem thêm: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Để có một gia đình hạnh phúc, tiến bộ, điều kiện then chốt đầu tiên là cuộc hôn nhân phải xuất phát từ tình cảm hai bên nam, nữ sau một thời gian tự do tìm hiểu. Nam nữ phải được tự do lựa chọn người mình lấy làm chồng, làm vợ.
+ Về mặt khách quan họ phải thể hiện sự tự nguyện của mình bằng hành vi đến đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.
+ Về mặt chủ quan, mọi hành vi trên của nam nữ phải xuất phát từ đúng ý nguyện của họ, không bị ép buộc.
Như vậy hành vi cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn đều vi phạm sự tự nguyện kết hôn tức là vi phạm nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình
2. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối vơi những hành vi trên
- Căn cứ Điểm d khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/ND-CP về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi :
+ Cản trở kết hôn
- Căn cứ Điểm c khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/ND-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Cưỡng ép kết hôn
+ Lừa dối kết hôn
3. Thẩm quyền xử lý
* Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Theo điều 82 Nghị định 82/2020/ND-CP quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính như sau:
- Công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 59.
- Công chức Phòng Tư pháp cấp huyện lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 59
* Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Điều 83 Nghị định 82/2020/ND-CP quy định Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
+ Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình;…
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
+ Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình;…
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
+ Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; ….
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Website:https://sjklaw.vn/
Email: sjk.law@hotmail.com
Hotline: 0962420486