XỬ LÝ HÀNH VI PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ GIỮA CON NUÔI VÀ CON ĐẺ
Câu hỏi tư vấn:
Xin chào Luật sư, hàng xóm bên cạnh nhà tôi sau khi đã sinh được một bé trai hiện nay đã 10 tuổi, do người vợ không còn khả năng mang thai nên hai vợ chồng nhà hàng xóm quyết định nhận nuôi thêm một bé gái hiện tại được 6 tuổi về làm con nuôi cho đông con, vui cửa vui nhà. Tuy nhiên, khi nhận bé gái về làm con nuôi thì hai vợ chồng đối xử giữa con nuôi và con đẻ có sự phân biệt, cụ thể tôi thấy hai vợ chồng luôn sai khiến bé gái làm rất nhiều việc, hay cả về ăn uống, quần áo thì cũng không chăm lo. Tôi muốn hỏi hành vi của vợ chồng nhà hàng xóm có vi phạm quy định của pháp luật hay không kho đối xử phân biệt giữa con đẻ và con nuôi như vậy?
Yêu cầu tư vấn:
Hành vi đối xử phân biệt giữa con đẻ và con nuôi có vi phạm pháp luật?
Căn cứ pháp lý:
Luật nuôi con nuôi năm 2010
Nghị định 82/2020/NĐ-CP
Luật sư tư vấn:
Chào bạn! cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu đến công ty chúng tôi. Đối với yêu cầu của bạn được Luật sư tư vấn như sau:
Vấn đề nhận nuôi con nuôi hiện nay không còn xa lạ đối với các hộ gia đình ở nước ta, nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.
Để nhận nuôi con nuôi thì cả người nhận nuôi và người được nhận nuôi đều phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Pháp luật.
Đối với điều kiện về người nhận nuôi con nuôi trong nước bao gồm:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Những người sau đây không được nhận con nuôi:
- Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Đối với người được nhận làm con nuôi phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi cụ thể như sau:
Điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định người được nhận làm con nuôi bao gồm:
- Trẻ em dưới 16 tuổi
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
- Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
- Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.
Đồng thời pháp luật quy định một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng, tránh việc một người được nhận làm con nuôi của nhiều gia đình khác nhau sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhiều phần tử xấu lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi để tiến hành việc mua bán, chiếm đoạt trẻ em.
Pháp luật quy định rất cụ thể các hành vi bị cấm khi nhận nuôi con nuôi bao gồm:
- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
- Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
- Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
- Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
- Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
- Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Trong tình huống mà bạn đưa ra, hai vợ chồng nhà hàng xóm đã đáp ứng các điều kiện và nhận nuôi bé gái 06 tuổi. Tuy nhiên theo như bạn trình bày thì hai vợ chồng đã có hành vi đối xử phân biệt giữa con nuôi và con đẻ, cụ thể là sai khiến con nuôi làm rất nhiều việc, không chăm sóc cả về ăn uống, sinh hoạt, quần áo. Thì căn cứ theo quy định của pháp luật, cụ thể là căn cứ theo khoản 3 Điều 13 Luật nuôi con nuôi năm 2010, thì pháp luật nghiêm cấm hành vi đối xử phân biệt, không công bằng bình đẳng của cha mẹ đối với con nuôi và con đẻ. Do vậy, hành vi của vợ chồng nhà hàng xóm cạnh nhà bạn là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là không tuân thủ quy định của pháp luật, làm những việc pháp luật cấm.
Do vậy, hành vi phân biệt, đối xử giữa con đẻ và con nuôi là hành vi vi phạm pháp luật, và có thể bị xử lý hành chính. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 62 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, thì hành vi phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000, còn đối với hành vi lợi dụng việc nhận con nuôi để bóc lột sức lao động của con nuôi thì sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Website: https://sjklaw.vn/
Email: sjk.law@hotmail.com
Hotline: 0962420486