XỬ LÝ HÀNH VI CƯỠNG ÉP KẾT HÔN
  • 03/122021
  • TRỢ LÝ LUẬT SƯ - TIẾN ĐẠT

XỬ LÝ HÀNH VI CƯỠNG ÉP KẾT HÔN

 

Câu hỏi tư vấn: 

Xin chào Luật sư, tôi hiện tại là sinh viên, năm nay tôi 22 tuổi, tôi vẫn đang chuyên tâm lo cho sự nghiệp học hành, tuy nhiên gia đình tôi ở quê, cũng hay xem bói quẻ. Tháng này bố tôi đi xem thì thầy phán tôi phải lấy chồng trong năm nay số mới giàu và được hưởng thụ an nhàn. Nên bố tôi đã gán ghép tôi với một anh ở trong xóm, hai bọn tôi không hề có chút tình cảm nào. Nhưng bố tôi ép và đe dọa tôi là nếu không cưới sẽ từ luôn tôi. Vậy, tôi muốn hỏi hành vi của bố tôi có vi phạm pháp luật hay không, và cách giải quyết như thế nào?

Yêu cầu tư vấn:

Hành vi cưỡng ép kết hôn có phải là hành vi vi phạm pháp luật?

Căn cứ pháp lý: 

Luật HN&GĐ năm 2014

Nghị định 82/2020/NĐ-CP

Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015

Luật sư tư vấn:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến công ty chúng tôi. Đối với vấn đề của bạn được Luật sư tư vấn như sau:

Chế độ hôn nhân ở nước ta là chế độ hôn nhân một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Do vậy, yếu tố tự nguyện là một trong những điều kiện cần để thỏa mãn là một quan hệ hôn nhân hợp pháp, được pháp luật công nhận. 

Tại Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 cũng quy định khi kết hôn cả hai bên nam nữ phải thể hiện ý chí tự nguyện, kết hôn theo mong muốn nhu cầu của cả hai bên, không ai có thể cưỡng ép, cản trở hay lừa dối bởi đó đều là các hành vi vi phạm pháp luật. 

Cưỡng ép kết hôn là hành vi việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Pháp luật ngăn cấm hành vi cưỡng ép kết hôn, dù là các bậc cha mẹ, đấng sinh thành cũng không có quyền cưỡng ép, ép buộc con cái kết hôn trái với ý muốn của con. Chế độ phong kiến xưa có quan điểm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, tuy nhiên trong xã hội hiện đại bây giờ hôn nhân là cả một đời, hôn nhân là cơ sở để tạo nên một gia đình hạnh phúc mà gia đình là tế bào của xã hội. Do vậy, yếu tố tự nguyện là rất quan trọng góp phần tạo nên một cuộc sống gia đình hạnh phúc. 

Luật HN&GĐ năm 2014 quy định rất cụ thể việc cấm hành vi cưỡng ép kết hôn tại Điều 5. 

Trong tình huống của bạn, bố bạn đang thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn đó là dùng lời nói đe dọa bạn nếu bạn không chịu kết hôn ngay trong năm. Và hành vi đó là vi phạm pháp luật. Có thể bị xử lý cả hành chính và hình sự. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về xử phạt hành chính căn cứ theo quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng ép kết hôn

Thứ hai, về xử lý hình sự được quy định tại Điều 181 BLHS năm 2015 như sau: Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

Từ đó có thể khẳng định hành vi của bố bạn là vi phạm pháp luật, về giải pháp:

- Bạn có thể trao đổi lại với bố, nói cho bố hiểu về chế độ hôn nhân ở nước ta hiện nay và nói với bố việc cưỡng ép kết hôn là vi phạm pháp luật, nói luôn với các thành viên trong gia đình để khuyên bảo bố.

- Nếu bố bạn vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tại địa phương can thiệp và giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư đối với yêu cầu của bạn.

-------------------------------------------------

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖

📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

🌍 Website: https://sjklaw.vn/

📩 Email: sjk.law@hotmail.com

☎ Hotline: 0962420486

Tags : cưỡng ép kết hôn, Luật hôn nhân và gia đình 2014
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: