XÁC ĐỊNH CHA MẸ CON TRONG TRƯỜNG HỢP SINH CON BẰNG KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN
Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (khoản 21 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014). Hay nói cách khác, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật y học hiện đại để can thiệp vào quá trình thụ thai của người phụn nữ, nhằm mục đích hỗ trợ những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh hoặc phụ nữ độc thân có mong muốn mang thai và có con để có thêm niềm vui cho gia đình. Hiện nay có hai phương pháp chính đó là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
Vấn đề xác định cha mẹ con trong trường hợp sinh con bằng việc sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ nêu một cách khái quát về quy định của pháp luật trong việc xác định cha mẹ con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như sau:
Thứ nhất, xác định cha mẹ con đối với trường hợp cặp vợ chồng vô sinh
Tại khoản 1 Điều 93 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này. Điều 88 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định như sau:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
- Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Qua đó ta thấy, việc xác định cha mẹ trong trường hợp này sẽ căn cứ vào thời kỳ hôn nhân của cặp vợ chồng. Vì vậy, trong trường hợp con sinh ra trước ngày vợ, chồng đăng ký kết hôn và được vợ, chồng thừa nhận là con chung sẽ không được áp dụng đối với trường hợp con sinh ra bằng hỗ trợ kỹ thuật sinh sản. Để đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh được xác định là mẹ của đứa trẻ trong mọi trường hợp, kể cả khi người mẹ là người nhận tinh trùng, nhận noãn hay nhận phôi của người khác và người chồng hợp pháp của người mẹ đó cũng chính là cha đứa trẻ, ngay kể cả chồng không phải là người cho tinh trùng.
Đồng thời, việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn hoặc cho phôi với đứa trẻ sinh ra.
Ví dụ: H và T là vợ chồng, do tinh trùng quá loãng nên H không thể có con được với T. S là người cho vợ chồng H tinh trùng của mình, các bác sỹ tiến hành và cấy thành công cho H. H mang hai và sinh ra V, lúc này V là con của H và T, tức là V là con hợp pháp của T chứ không phải là con của người cho tinh trùng là S.
Thứ hai, xác định cha mẹ đối với phụ nữ độc thân (khoản 2 Điều 93 Luật HN&GĐ năm 2014): Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra. Trường hợp này được áp dụng đối với những người phụ nữ không xác lập quan hệ hôn nhân nhưng mong muốn có con, và người phụ nữ độc thân này đương nhiên là mẹ của đứa bé.
Thứ ba, xác định cha mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện theo Điều 94 của Luật HN&GĐ năm 2014 cụ thể như sau: Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không làm phát sinh mối quan hệ cha, mẹ, con giữa vợ chồng người được nhờ mang thai hộ với đứa trẻ được sinh ra.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty chúng tôi về vấn đề này.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận cầu giấy Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
🌍 Website: sjklaw.vn
📩 Email: sjk.law@hotmail.com
☎ Hotline: 0962420486