Vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
1. Khái niệm về tình thế cấp thiết
“Tình thế cấp thiết là tình thể của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thể cấp thiết không phải là tội phạm”. (Điều 23 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
Chế định tình thế cấp thiết được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lí, khuyến khích mọi người có hành động có ích, phù hợp với yêu cầu của xã hội khi đứng trước thực tế một thiệt hại đang xảy ra hoặc đang bị đe dọa xảy ra ngay. Cũng như phòng vệ chính đáng, hành động trong tình thế cấp thiết là quyền của mỗi cá nhân. Để hướng mọi người thực hiện đúng quyền này của mình, Điều 23 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy đỉnh rõ cơ sở, nội dung và phạm vi của quyền hành động trong tình thế cấp thiết.
2. Vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
Khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
“Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Đây là trường hợp chủ thể có cơ sở để được hành động trong tình thế cấp thiết nhưng đã vượt quá phạm vi cho phép. Theo khoản 1 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người hành động trong tình thế cấp thiết chỉ được phép gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Điều đó có nghĩa khi thiệt hại gây ra không nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì không còn là trường hợp tình thế cấp thiết. Tuy nhiên, do sự so sánh hai loại thiệt hại trong tình thế cấp thiết là vấn đề không đơn giản, dễ dàng và điều này càng khó khăn hơn đối với người đang đứng trước sự đe dọa gây thiệt hại mà phải lựa chọn biện pháp ngăn chặn sự đe dọa đó. Do vậy, luật hình sự Việt Nam chỉ coi việc gây thiệt hại là không hợp pháp khi thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu... và chủ thể có lỗi đổi với việc vượt quá đó. Trường hợp này tuy phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được giảm nhẹ vì tính chất của động cơ và vì hoàn cảnh phạm tội. Thể hiện điều này, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW
Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Website:https://sjklaw.vn/
Email: sjk.law@hotmail.com
Hotline: 1900636292.