VAI TRÒ CỦA PHÁP LUẬT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
  • 22/062022
  • Trợ lý lý Luật sư Thu Hoài

VAI TRÒ CỦA PHÁP LUẬT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Trong đời sống xã hội, pháp luật xã hội chủ nghĩa giữ vai trò rất quan trọng, xét dưới góc độ chung nhất, pháp luật là phương tiện để thể chế hoá đường lối, chính sách của đảng, đảm bảo cho sự lãnh đạo của đảng được thực hiện trên quy mô toàn xã hội; là phương tiện để nhà nước quản lý mọi mặt xã hội; là phương tiện để nhân dân phát huy dân chủ và quyền làm chủ, thực hiện quyền và nghĩa vu.

Pháp luật là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội, nó luôn tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ tới các quan hệ xã hội nói chung cũng như các yếu tố thuộc thượng tầng chính trị pháp lý nói riêng. Tuy nhiên, tuỳ từng lĩnh vực quan hệ xã hội cụ thể quy định mức độ và phạm vi điều chỉnh của pháp luật.

Vai trò của pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện trên những mặt sau:

 

1. Pháp luật là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Bộ máy nhà nước là một thiết chế phức tạp bao gồm nhiều bộ phận, để bộ máy hoạt động có hiệu quả đòi hỏi phải xác định đúng chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi loại cơ quan, xác lập mối quan hệ đúng đắn và hợp lý giữa các cơ quan; phải có phương pháp và hình thức tổ chức và hoạt động phù hợp để tạo thành một cơ chế đồng bộ thực hiện quyền lực nhà nước. Tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện được khi dựa trên cơ sở vững chắc của những nguyên tắc và quy định cụ thể của pháp luật.

 

2. Pháp luật bảo đảm cho việc thực hiện có hiệu quả chức năng tổ chức và quản lý kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội.

Một trong những chức năng cơ bản của nhà nước xã hội chủ nghĩa là chức năng kinh tế. Chức năng tổ chức và quản lý kinh tế có phạm vi rộng và phức tạp bao gồm nhiều mối quan hệ, nhiều vấn đề mà nhà nước cần phải xác lập và giải quyết như: hoạch định các chính sách kinh tế, xác định chỉ tiêu kế hoạch, quy định chế độ tài chính giá cả ... Toàn bộ quá trình tổ chức và quản lý từ hoạch định chính sách, đề ra kế hoạch cho tới tổ chức thực hiện trên thực tế, kiểm tra, giám sát, tổng kết và đánh giá kết quả... đều đòi hỏi sự hoạt động tích cực của nhà nước để tạo ra một cơ chế đồng bộ, thúc đẩy quá trình phát triển đúng hướng của nền kinh tế và mang lại hiệu quả cao. Do chức năng tổ chức và quản lý kinh tế có tính chất phức tạp và phạm vi rộng, nhà nước không thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh tế cụ thể mà chỉ thực hiện việc quản lý hành chính- kinh tế. Quá trình này chỉ được thực hiện trên cơ sở pháp luật.

 

3. Pháp luật bảo đảm thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền lực nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội.

Dân chủ là thuộc tính của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Việc tăng cường hiệu lực và phát huy vai trò của nhà nước trong quản lý mọi mặtcủa đời sống xã hội luôn gắn liền với quá trình thực hiện và mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền lực nhân dân, bảo đảm công bằg xã hội. Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, việc thiết lập và thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được biểu hiện trước hết ở sự củng cố và hoàn thiện hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa.

 

4. Pháp luật là cơ sở để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Pháp luật xã hội chủ nghĩa với những đặc thù riêng có của mình là phương tiện quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điều này được thể hiện: bên cạnh hệ thống quy phạm pháp luật được đặt ra để điều chỉnh quan hệ xã hội, hướng các hành vi xử sự của chủ thể, thiết lập nên một trật tự pháp luật, pháp luật còn chứa đựng các quy phạm pháp luật cấm mọi hành vi gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, xâm hại tới lợi ích của xã hội, của nhà nước, của tập thể và của công dân. Những biện pháp cưỡng chế mà pháp luật đặt ra để áp dụng đối với những trường hợp có vi phạm pháp luật thể hiện sức mạnh của quyền lực nhà nước, quyền lực nhân dân một cách công khai, Vì vậy, trong lĩnh vực này pháp luật là công cụ sắc bén nhất thể hiện sức mạnh của nhà nước trong việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

 

5. Pháp luật có vai trò giáo dục mạnh mẽ.

Pháp luật là công cụ, phương tiện quan trọng để giáo dục mọi đối tượng trong xã hội. Những quy phạm pháp luật được đặt ra luôn xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, là khuôn mẫu cho hành vi xử sự của mỗi chủ thể khi gặp những tình huống đã dự kiến.

 

6. Pháp luật xã hội chủ nghĩa góp phần tạo dựng những quan hệ mới.

Bên cạnh chức năng phản ánh, mô hình hoá các nhu cầu khách quan của xã hội, pháp luật xã hội chủ nghĩa còn có khả năng “định hướng” cho sự phát triển của các quan hệ xã hội, góp phần tạo dựng những quan hệ mới.

 

7. Pháp luật tạo ra môi trường ổn định cho việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác và phát triển.

Sự hợp tác quốc tế chỉ có thể phát triển trong môi trường chính trị, kinh tế, xã hội ổn định và có đủ độ tin cậy lẫn nhau. Pháp luật là phương tiện quan trọng trong việc tạo lập môi trường ổn định đó. Bởi vì, nhờ những thuộc tính riêng của mình, pháp luật có khả năng thiết lập một trật tự mà ở đó mọi chủ thể khi tham gia vào các quan hệ phải tôn trọng những cam kết và phải chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra.    

-------------------------------------------------

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:

𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖

📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận cầu giấy Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

🌍 Website: https://sjklaw.vn/xay-dung-phap-luat

📩 Email: sjk.law@hotmail.com

☎ Hotline: 0962420486

Tags : Sjklaw
popup

Số lượng:

Tổng tiền: