TỘI PHẠM HOÀN THÀNH
Các tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đều được đặt tội danh và được mô tả bằng các dấu hiệu đặc trưng. Đó là các dẩu hiệu pháp lí của tội phạm và những dấu hiệu này tạo thành cấu thành tội phạm của mỗi tội danh. Khi hành vi cụ thể xảy ra thoả mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi đó được xác định đã phạm tội mà cấu thành tội phạm này phản ánh như phạm tội cướp tài sản (Điều 168 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay phạm tội vô ý làm chết người (Điều 128 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) V.V.. và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện. Tuy nhiên, không phải chỉ khi hành vi thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi đó mới được xác định là phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã phạm đó. Đối với các tội có lỗi cố ý trực tiếp, có thể có trường hợp hành vi tuy chưa thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm nhưng chủ thể thực hiện hành vi này vẫn bị xác định là phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự. Để phân biệt giữa trường hợp hành vi phạm tội thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm với trường hợp chưa thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm như vậy, luật hình sự có các khái niệm: Tội phạm hoàn thành, phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội. Trong đó, chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt được gọi chung là tội phạm chưa hoàn thành.
Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thoả mãn tất cả dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm.
Trong định nghĩa trên, cần hiểu đặc điểm hoàn thành là “hoàn thành” về mặt pháp lí vì hành vi đã thoả mãn tất cả các dấu hiệu pháp lí của tội phạm; “hoàn thành” ở đây không gắn với mục đích phạm tội của người phạm tội. Với quan niệm về tội phạm hoàn thành như vậy, luật hình sự Việt Nam khẳng định: Thời điểm tội phạm hoàn thành không phụ thuộc vào việc người phạm tội đã đạt được mục đích của mình hay chưa. Khái niệm tội phạm hoàn thành không dùng để chỉ thời điểm người phạm tội đạt được mục đích của mình, khi tội phạm hoàn thành thì cũng có thể người phạm tội đã đạt được mục đích của mình nhưng cũng có thể chưa đạt được mục đích đó. Nói tội phạm hoàn thành là hoàn thành về mặt pháp lí - tức tội phạm đã thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Tội phạm khi đã hoàn thành về mặt pháp lí, có thể cũng dừng lại không xảy ra nữa trong thực tế nhưng cũng có thể vẫn còn tiếp tục xảy ra. Ngược lại, tội phạm tuy đã dừng lại nhưng có thể chưa hoàn thành vì chưa thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.
Trong thực tiễn áp dụng, khi xác định trường hợp phạm tội cố ý, cụ thể là đã hoàn thành hay chưa, chỉ cần kiểm tra hành vi phạm tội đã thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm hay chưa. Sẽ là trường hợp tội phạm hoàn thành nếu hành vi phạm tội đã thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm và ngược lại sẽ là trường hợp tội phạm chưa hoàn thành nếu hành vi phạm tội chưa thoả mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan của tội phạm) của cấu thành tội phạm. Trong trường hợp tội phạm hoàn thành và trong trường hợp tội phạm chưa hoàn thành, lỗi cũng như các dấu hiệu khác thuộc mặt chủ quan của tội phạm là như nhau cho nên việc xác định tội phạm hoàn thành chỉ liên quan đến các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm.
Như vậy, việc quy định thời điểm hoàn thành của từng tội phạm được thực hiện qua việc xây dựng các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Thời điểm hoàn thành sớm hay muộn là tuỳ thuộc vào việc xây dựng các dấu hiệu của cấu thành tội phạm, nhưng việc đưa những dấu hiệu nào vào cấu thành tội phạm không phải là tùy ý thích chủ quan của các nhà làm luật mà phụ thuộc vào những yếu tố khách quan như được trình bày trong Chương IV. Những dấu hiệu đó phải phản ánh được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đủ cho phép phân biệt với tội phạm khác cũng như với trường hợp chưa phải là tội phạm và đảm bảo thời điểm hoàn thành của tội phạm phù hợp với yêu cầu chống tội phạm cũng như với đặc điểm của tội phạm.
Căn cứ vào định nghĩa chung về tội phạm hoàn thành và dựa vào đặc điểm cấu trúc của các loại cấu thành tội phạm, có thể rút ra được kết luận về thời điểm hoàn thành của các tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, có cấu thành tội phạm hình thức và có cấu thành tội phạm cắt xén như sau:
- Tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất được xác định là (tội phạm) hoàn thành khi hậu quả của tội phạm đã xảy ra vì trong cấu thành tội phạm vật chất có dấu hiệu hậu quả thiệt hại.
- Tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức được xác định là (tội phạm) hoàn thành khi hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm đã được thực hiện vì trong cấu thành tội phạm hình thức không có dấu hiệu hậu quả thiệt hại mà chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan, ở những tội phạm này, dấu hiệu hành vi khách quan có thể chỉ là một hành vi như ở tội cướp tài sản (dùng vũ lực hoặc...) nhưng cũng có thể bao gồm nhiều hành vi khác nhau như tội hiếp dâm (dùng vũ lực hoặc... và giao cấu...). Trong trường hợp dấu hiệu hành vi khách quan bao gồm nhiều hành vi khác nhau như vậy, tội phạm được xác định là tội phạm hoàn thành khi những hành vi này đều đã được thực hiện.
- Tội phạm có cấu thành tội phạm cắt xén được xác định là (tội phạm) hoàn thành khi hành vi bất kì (hoạt động) hướng tới thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại được mô tả trong cấu thành tội phạm . Như vậy, đối với tội phạm có cấu thành tội phạm cắt xén chỉ có tội phạm hoàn thành vì khi chủ thể thực hiện hành vi bất kỳ hướng tới hành vi được xác định thì hành vi của họ đã thoả mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cắt xén.
Thời điểm mà tội phạm được coi là tội phạm hoàn thành được nêu trên đây khác với thời điểm tội phạm kết thúc. Tội phạm kết thúc là thời điểm hành vi phạm tội đã thực sự chấm dứt. Ở đây cần phân biệt giữa trường hợp thực sự chấm dứt với trường hợp tạm dừng lại là trường hợp hành vi phạm tội chỉ tạm gián đoạn để tiếp tục xảy ra như ở trường hợp phạm tội liên tục. Thời điểm tội phạm hoàn thành là thời điểm dùng để đánh giá về mặt pháp lí còn thời điểm tội phạm kết thúc là thời điểm dùng để đánh giá về mặt thực tế. Hai thời điểm này khác nhau về tính chất nên về hình thức có thể trùng nhau hoặc không trùng nhau.
Hành vi phạm tội có thể dừng lại (kết thúc) khi tội phạm chưa hoàn thành và ngược lại tội phạm tuy đã được coi là tội phạm hoàn thành nhưng vẫn còn có thể tiếp tục xảy ra (chưa kết thúc). Việc phân biệt hai thời điểm này có ý nghĩa khi áp dụng chế định đồng phạm (Điều 17 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), chế định phòng vệ chính đáng (Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) và khi áp dụng những quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Việc áp dụng những chế định và những quy định này đều dựa vào thời điểm tội phạm kết thúc mà không phụ thuộc vào thời điểm tội phạm được coi là tội phạm hoàn thành.
Trong khi áp dụng quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, việc xác định thời điểm tội phạm kết thúc sẽ có ý nghĩa đối với những trường hợp giữa ngày thực hiện tội phạm và ngày tội phạm kết thúc có khoảng cách như ở những tội kéo dài hoặc ở những trường hợp tội liên tục. Đối với những trường hợp này, việc tính thời hạn phải kể từ ngày tội phạm kết thúc.
Tội phạm hoàn thành như đã trình bày được dùng để phân biệt với tội phạm chưa hoàn thành ở các tội cố ý trực tiếp. Ở loại tội phạm này, cả hai trường hợp - tội phạm hoàn thành và tội phạm chưa hoàn thành đều bị coi là trường hợp phạm tội.
Đối với các tội cố ý gián tiếp và tội vô ý, khái niệm tội phạm hoàn thành cũng có thể được sử dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng này không có ý nghĩa nên không cần thiết vì ở các tội cố ý gián tiếp và tội vô ý chỉ có tội phạm hoàn thành. Một hành vi xảy ra trong thực tế đã được xác định là tội cố ý gián tiếp hoặc tội vô ý thì luôn luôn có nghĩa là tội phạm hoàn thành.
Với cách hiểu tội phạm hoàn thành như trình bày, mỗi quy định về tội phạm cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hoặc trong luật hình sự đều là mô tả trường hợp tội phạm hoàn thành của một tội cụ thể. Do vậy, trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hoặc trong luật hình sự không có điều luật riêng quy định về tội phạm hoàn thành.
Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW
Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Website:https://sjklaw.vn/
Email: sjk.law@hotmail.com
Hotline: 1900636292.