Sự khác nhau giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác
  • 08/032023
  • Trợ lý Luật sư Cao Vân

Sự khác nhau giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác

Tội phạm khác các vi phạm pháp luật khác ở các điểm sau:

- Về nội dung:

Tội phạm là những hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội khác với các hành vi vi phạm pháp luật khác. Các vi phạm pháp luật khác tuy cũng có tính nguy hiểm cho xã hội nhưng còn ở mức độ chưa đáng kể. Tội phạm là những hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội ở mức độ đáng kể. Ranh giới giữa "nguy hiểm đáng kể" và "nguy hiểm chưa đáng kể" là ranh giới cần được xác định khi xây dựng luật cũng như khi giải thích và áp dụng luật hình sự.

Căn cứ vào ranh giới này, nhà làm luật xác định những hành vi bị coi là tội phạm và quy định trong luật hình sự. Khi tội phạm đã được quy định trong luật hình sự, ranh giới giữa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có thể đã được xác định một cách dứt khoát, hành vi bị quy định chỉ có thể là tội phạm mà không thể là vi phạm pháp luật khác được. Ví dụ: Hành vi giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015), hành vi hiếp dâm (Điều 141 BLHS)...

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp điều luật chưa thể hiện được cụ thể và dứt khoát ranh giới giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, hành vi bị quy định có thể là tội phạm trong trường hợp này nhưng ở trường hợp khác chỉ là vi phạm pháp luật khác. Ví dụ: Hành vi hành hạ người khác (Điều 140 BLHS), hành vi gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS)...

Đối với những trường hợp này, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải có sự giải thích khi nào những trường hợp đó bị coi là có tính nguy hiểm đáng kể, khi nào thì chưa. Trong trường hợp ranh giới này chưa được giải thích, người áp dụng pháp luật phải tự giải thích để xác định trường hợp cụ thể là tội phạm hay chưa là tội phạm.

Như vậy, việc áp dụng luật hình sự có thể cũng đòi hỏi người áp dụng phải tự xác định ranh giới giữa tội phạm và vi phạm pháp luật khác vì không phải tất cả các điều luật cần giải thích đều đã được giải thích và sự giải thích nhiều khi cũng chỉ có tính tương đối. Trong những trường hợp này, người áp dụng pháp luật phải tự đánh giá tính nguy hiểm của hành vi (đã được quy định trong luật hình sự) xem hành vi đó có tính nguy hiểm đáng kể hay chưa.

- Về hình thức pháp lí:

Tội phạm được quy định trong luật hình sự; các vi phạm pháp luật khác được quy định ưong các văn bản của các ngành luật khác. Tuy chỉ là dấu hiệu về mặt hình thức pháp lí nhưng dấu hiệu được quy định trong luật hình sự hay trong các ngành luật khác có ý nghĩa quan trọng đối với những người áp dụng pháp luật. Đây là căn cứ đầu tiên mà người áp dụng phải dựa vào để xác định hành vi có phải là tội phạm không. Hành vi chỉ có thể bị coi là tội phạm nếu đã được quy định trong luật hình sự. Hành vi chưa được hoặc không được quy định trong luật hình sự thì đối với người áp dụng, vấn đề xác định có phải là tội phạm hay không không được đặt ra, vì hành vi đó đã rõ ràng không phải là tội phạm.

- Về hậu quả pháp lí:

Tội phạm bị xử lí bằng biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất là hình phạt; các vi phạm pháp luật khác chỉ có thể bị xử lí bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước ít nghiêm khắc hơn.

Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW

Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Website:https://sjklaw.vn/

Email: sjk.law@hotmail.com

Hotline: 1900636292.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: