PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT
  • 29/032023
  • Trợ lý Luật sư Cao Vân

PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT

Phạm tội chưa đạt là trường hợp hành vi phạm tội đã thực hiện chưa thoả mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm vì nguyên nhân ngoài ý muổn của người phạm tội.

Tương tự như định nghĩa khoa học trên, Điều 15 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 xác định:

“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những ngưyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội"

Giữa quy định của bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với định nghĩa khoa học về phạm tội chưa đạt chỉ có sự khác nhau về cách diễn đạt còn về nội dung đều khẳng định như nhau về các dấu hiệu của phạm tội chưa đạt. Theo đó, có ba dấu hiệu xác định trường hợp phạm tội chưa đạt.

* Dấu hiệu thứ nhất: Người phạm tội “đã thực hiện tội phạm”. Đây là dấu hiệu phân biệt phạm tội chưa đạt với chuẩn bị phạm tội. “Đã thực hiện tội phạm” có nghĩa: Người phạm tội đã thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Ví dụ: Chù thể tội giết người đã thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng người khác (như đã đâm, đã bắn, đã chém) là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm tội giết người (Điều 123 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cũng được coi là “đã thực hiện tội phạm” nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi “đi liền trước” hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Đó là hành vi (xét về khách quan và chủ quan) thể hiện là sự bắt đầu của hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm và kế tiếp ngay sau nó hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm sẽ xảy ra.

Ví dụ: Hành vi nhặt dao để đâm, lắp đạn để bẳn trong trường họp phạm tội giết người được coi là những hành vi “đi liền trước” của hành vi tước đoạt tính mạng người khác. Những hành vi này chưa phải là hành vi tước đoạt tính mạng người khác (hành vi đâm, hành vi bắn) nhưng là sự bắt đầu của hành vi tước đoạt tính mạng người khác và ngay sau nó hành vi tước đoạt tính mạng người khác (hành vi đâm, hành vi bắn) sẽ -xảy ra. Hành vi “đi liền trước” như vậy tuy thể hiện là sự chuẩn bị nhưng vì rất gần với hành vi khách quan, không tách ra được nên cũng được coi là hành vi thực hiện tội phạm.

* Dấu hiệu thứ hai: Đây là dấu hiệu được diễn đạt khác nhau giữa điều luật và định nghĩa khoa học. Theo điều luật, phạm tội chưa đạt khác tội phạm hoàn thành ở chỗ người phạm tội không thực hiện tội phạm được “đến cùng”. Trong khi đó, theo định nghĩa khoa học, phạm tội chưa đạt khác tội phạm hoàn thành ở chỗ hành vi phạm chưa thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Đây chỉ là hai cách diễn đạt khác nhau về cùng một nội dung. Tội phạm hoàn thành hay phạm tội chưa đạt như đã trình bày đều là sự đánh giá về mặt pháp lí. Do vậy, dấu hiệu “không thực hiện tội phạm được đến cùng” được quy định tại Điều 15 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cần được hiểu là “không... đến cùng” về mặt pháp lí và như vậy “không... đến cùng” cũng có nghĩa là hành vi được thực hiện chưa thoả mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm. Trường hợp hành vi phạm tội chưa thoả mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm có thể xảy ra theo các dạng sau:

- Chủ thể chưa thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà mới chỉ thực hiện hành vi “đi liền trước" hành vi đó.

Ví dụ: Chủ thể tội giết người mới nhặt dao để đâm thì đã bị bắt giữ;

- Chủ thể đã thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm nhưng chưa thực hiện hết.

Ví dụ: Chủ thể tội hiếp dâm mới vật ngã được nạn nhân nhưng chưa thực hiện hành vi giao cấu thì đã bị bắt giữ;

- Chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm nhưng chưa gây ra hậu quả thiệt hại được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Ví dụ: Chủ thể tội giết người đã đâm nạn nhân nhưng nạn nhân không chết;

Trong ba dạng có thể xảy ra nêu trên, dạng thứ ba chỉ có thể xảy ra ở các tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất.

* Dấu hiệu thứ ba: Người phạm tội không thực hiện tội phạm được “đến cùng” là do nguyên nhân ngoài ý muốn của họ.

Dấu hiệu này được đặt ra vì có hai loại trường hợp hành vi phạm tội đã thực hiện nhưng không “đến cùng” - không thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm là trường hợp do nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội và trường họp do ý muốn chủ quan của người phạm tội. Hai trường họp này là khác nhau. Trong đó, trường họp thứ hai là trường hợp cần được khuyến khích.

Theo điều luật, dấu hiệu thứ ba đòi hỏi người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành là do:

- Nạn nhân hoặc người bị hại đã chống lại được hoặc đã tránh được;

- Người khác đã ngăn chặn được;

- Có những ttở ngại khác (như bắn nhưng đạn không nổ; thuốc độc dùng để đầu độc không đủ liều lượng...);

Dấu hiệu thứ ba trên đây cho phép phân biệt phạm tội chưa đạt với trường hợp dừng lại do ý muốn chủ quan của người phạm tội được quy định tại Điều 16 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Quy định về phạm tội chưa đạt tại Điều 15 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là quy định có tính nguyên tắc cho tất cả các tội danh. Do vậy, để xác định trường hợp phạm tội chưa đạt của tội danh cụ thể cần phải kết hợp quy định này với nội dung quy định trong cấu thành tội phạm của tội danh này.

Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW

Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Website:https://sjklaw.vn/

Email: sjk.law@hotmail.com

Hotline: 1900636292.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: