MẶT CHỦ QUAN CỦA TỘI PHẠM
  • 24/032023
  • Trợ lý Luật sư Cao Vân

MẶT CHỦ QUAN CỦA TỘI PHẠM

1. KHÁI NIỆM

Tội phạm là một thể thống nhất của hai mặt khách quan và chủ quan. Nếu mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm thì mặt chủ quan của tội phạm là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội, liên quan với việc thực hiện tội phạm.

2. Dấu hiệu lỗi

Trong khoa học pháp lý hình sự, lỗi được xác định là những biểu hiện thái độ của chủ thể đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và đối với hậu quả do hành vi ấy gây ra. Xác định tính có lỗi khi thỏa mãn các điều kiện sau:

Thứ nhất, phải có hành vi trái pháp luật hình sự. Trong trường hợp này, chủ thể đã thực hiện một hoặc một số hành vi mà pháp luật hình sự cấm hoặc không làm theo những điều mà pháp luật hình sự yêu cầu.

Thứ hai, người thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự phải có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Điều này đòi hỏi khi thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự, chủ thể hoàn toàn có năng lực để nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả xảy ra, cũng như có khả năng để điều khiển hành vi theo đúng yêu cầu của xã hội, của pháp luật.

Nếu thỏa mãn cả hai điều kiện trên, chủ thể khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và gây ra (hoặc đe dọa gây ra) hậu quả xâm hại đến quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ sẽ bị coi là có lỗi.

Để đánh giá yếu tố lỗi và sự ảnh hưởng của nó đến trách nhiệm pháp lý hình sự, căn cứ vào năng lực nhận thức (lý trí) và căn cứ vào khả năng điều khiển hành vi (ý chí), lỗi được chia ra làm hai loại: lỗi cố ý và lỗi vô ý. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự là một hậu quả pháp lý bất lợi nhất đối với chủ thể bị áp dụng, do đó so với các loại vi phạm pháp luật khác, khi xác định tội phạm, yếu tố lỗi được phân chia cụ thể hơn, theo đó trong mỗi hình thức lỗi được chia thành

hai loại lỗi, bao gồm: trong lỗi cố ý có cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp; trong lỗi vô ý có vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả. Việc phân chia cụ thể này nhằm đảm bảo cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự chính xác, đúng người, đúng tội, đúng khung (mức) hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.

2.1. Lỗi cố ý

Ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội rất đa dạng, việc xác định chủ yếu dựa trên cơ sở nhận thức về tính chất của tội phạm và khả năng điều khiển hành vi của người thực hiện. Lỗi cố ý được đề cập tại Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó, điều luật xác định tính chất cố ý khi phạm tội là trường hợp một người thực hiện hành vi phạm tội, họ nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi đó, họ mong muốn hoặc để mặc (chấp nhận) hậu quả xảy ra. Trên cơ sở nhận thức này, khoa học luật hình sự chia thành hai trường hợp: lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp.

2.1.1. Lỗi cố ý trực tiếp

Lỗi cố ý trực tiếp được quy định tại khoản 1 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó lỗi cố ý trực tiếp là trường hợp: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra”. Từ khái niệm, có thể thấy rằng, đối với lỗi cố ý trực tiếp thì lý trí của người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức rõ hậu quả xảy ra. 

2.1.2. Lỗi cố ý gián tiếp

Lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó, lỗi cố ý gián tiếp là trường hợp: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Bên cạnh một số dấu hiệu giống với lỗi cố ý trực tiếp, như nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi, có thể nhận thức được hậu quả thì lỗi cố ý gián tiếp có một số dấu hiệu riêng. Trong lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra, tuy nhiên lại có ý thức “để mặc”, tức là chấp nhận hậu quả (nếu có) xảy ra. Đây là trạng thái tâm lý thuộc về ý chí và vì thái độ để mặc hậu quả nên ảnh hưởng đến nhận thức của người phạm tội, trường hợp này, người phạm tội không nhận thức rõ được hậu quả, vì để mặc, tức là hậu quả có thể xảy ra hoặc không, nên việc nhận thức hậu quả không mang tính tất yếu mà chỉ mang tính khả năng (có thể).

2.2. Lỗi vô ý

Vô ý phạm tội là trường hợp người phạm tội khi thực hiện hành vi nguy hiểm và gây ra hậu quả cho xã hội, nhận thức được tính nguy hiểm từ hành vi cũng như hậu quả xảy ra nhưng đã tự tin loại trừ hậu quả, hoặc tin vào khả năng khắc phục hậu quả; hoặc vì sự cẩu thả nên người phạm tội đã không nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi mình thực hiện cũng như hậu quả xảy ra. Đối với trường hợp lỗi vô ý, người phạm tội không mong muốn cũng không để mặc cho hậu quả xảy ra, việc hậu quả xảy ra nằm ngoài mong muốn và dự tính của người phạm tội. Trên cơ sở lý trí và ý chí người phạm tội phát sinh yếu tố lỗi của lỗi vô ý, nhà làm luật chia ra hai trường hợp: lỗi vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả.

2.2.1. Lỗi vô ý vì quá tự tin

Lỗi vô ý vì quá tự tin được quy định tại khoản 1 Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó, lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi của: “Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được”.

Với quy định này, việc nhận biết lỗi vô ý vì quá tự tin căn cứ vào nhận thức chủ quan của người phạm tội, mặc dù người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi và hậu quả, nhưng vì tự tin nên đã loại trừ yếu tố hậu quả. Cơ sở để người phạm tội tin hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được là dựa vào khả năng của bản thân, hoặc khả năng của yếu tố khách quan. Chẳng hạn, tin vào kết quả mình học tập, rèn luyện, tập luyện được hoặc tin vào tay nghề, chuyên môn.

2.2.2. Lỗi vô ý do cẩu thả

Lỗi vô ý do cẩu thả được quy định tại khoản 2 Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp: “Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.

Khác với lỗi vô ý vì quá tự tin, người phạm tội với lỗi vô ý do cẩu thả không nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi cũng như khả năng gây ra hậu quả, nguyên nhân là do sự cẩu thả, người phạm tội đã không nhận thức được điều này, mặc dù họ có năng lực để nhận thức và pháp luật bắt buộc phải nhận thức, chính vì vậy người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. 

 

 

2.3. Trường hợp hỗn hợp lỗi

Hỗn hợp lỗi là trường hợp trong một cấu thành tội phạm có hai hình thức lỗi (lỗi cố ý và vô ý) được quy định với các tình tiết khách quan khác nhau.

Thông thường, một người khi thực hiện hành vi phạm tội, biểu hiện thái độ tâm lý sẽ thông qua hành vi và hậu quả. Và điều này (đa số) các tội phạm đều có sự nhất quán về một loại lỗi nhất định. Ví dụ: đối với tội giết người, người phạm tội trước khi thực hiện hành vi, họ mong muốn hoặc bỏ mặc (chấp nhận) nạn nhân chết, do đó, họ cố ý thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác và hậu quả chết người mà họ gây ra cũng thể hiện lỗi cố ý. Tuy nhiên, trong quy định của Bộ luật Hình sự có một số cấu thành tội phạm thể hiện sự khác nhau về thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi phạm tội

và hậu quả mà tội phạm gây ra. Cụ thể, có một số cấu thành tội phạm, biểu hiện trong cấu thành cơ bản là lỗi cố ý, tuy nhiên trong cấu thành tội phạm tăng nặng, nhà làm luật quy định thêm tình tiết về hậu quả làm tăng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, mặc dù những hậu quả này người phạm tội không mong muốn, cũng không để mặc xảy ra, và việc hậu quả đó xảy ra hoàn toàn do vô ý. Trường hợp này, khoa học luật hình sự gọi là trường hợp hỗn hợp lỗi.

Ví dụ: đối với tội hiếp dâm, tại điểm c khoản 3 Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định tình tiết “làm nạn nhân chết” là tình tiết định khung tăng nặng, thì tình tiết này thể hiện sự vô ý của người phạm tội đối với hậu quả “nạn nhân chết” mà hành vi hiếp dâm (cố ý) đã gây ra. Như vậy, trong một cấu thành tội phạm nhưng dấu hiệu (tình tiết) khách quan ở cấu thành cơ bản thể hiện lỗi cố ý, còn dấu hiệu (tình tiết) ở cấu thành tăng nặng thể hiện lỗi vô ý của người phạm tội.

 

Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW

Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Website:https://sjklaw.vn/

Email: sjk.law@hotmail.com

Hotline: 1900636292.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: