LY HÔN VỢ CHỒNG CÓ THẬT SỰ ĐÃ HẾT TRÁCH NHIỆM VỚI NHAU
Cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn, không thể cứu vãn được nữa thì các cặp vợ chồng đa số đều lựa chọn việc ly hôn chấm dứt hôn nhân là giải pháp cuối cùng. Khi quyết định, bản án ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật đồng nghĩa với việc quan hệ hôn nhân chấm dứt, có nghĩa cặp đôi nam nữ không còn quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi đã ly hôn vợ chồng có thực sự hết trách nhiệm với nhau hay chưa hay vẫn có nghĩa vụ, quyền và trách nhiệm với nhau? Bài viết dưới đây của công ty chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc này.
Đầu tiên về khái niệm ly hôn chính là chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó có thể thấy khi có quyết định hay bản án của Tòa thì vợ chồng về quan hệ hôn nhân thì chấm dứt. Nhưng pháp luật cũng đã quy định về quyền và nghĩa vụ sau ly hôn của vợ chồng.
Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ đối với con cái:
Luật HN&GĐ năm 2014 quy định quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái của cha mẹ sau khi ly hôn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định như sau:
- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Đối với người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 82 Luật HN&GĐ như sau:
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Không chỉ có vậy, vợ chồng sau khi ly hôn còn có quyền và nghĩa vụ với nhau cụ thể là giữa người trực tiếp nuôi con với người không trực tiếp nuôi con, quy định cụ thể tại Điều 83 Luật HN&GĐ năm 2014 như sau:
- Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
- Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Qua đây ta thấy sau khi ly hôn thì vợ và chồng vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Trường hợp ai là người trực tiếp chăm sóc thì Tòa án ưu tiên sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng, nếu không thỏa thuận được thì sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết, Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể cả về phẩm chất, đạo đức tinh thần và cả về đời sống vật chất, kinh tế nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho con.
Một nghĩa vụ quan trọng đối với người không trực tiếp nuôi con là nghĩa vụ cấp dưỡng. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu. Cha mẹ khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng sẽ do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được sẽ do Tòa án giải quyết.
Thứ hai, nghĩa vụ cấp dưỡng của vợ chồng sau khi ly hôn: Pháp luật HN&GĐ năm 2014 quy định khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Từ đây có thể thấy, mặc dù khi đã chấm dứt quan hệ vợ chồng tuy nhiên trên thực tế cả hai người vẫn tồn tại quyền và nghĩa vụ với con cái, thậm chí là quyền và nghĩa vụ giữa hai bên: Quyền chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con cái, nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền thăm nom…
Trên đây là bài tư vấn của công ty chúng tôi.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận cầu giấy Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
🌍 Website: sjklaw.vn
📩 Email: sjk.law@hotmail.com
☎ Hotline: 0962420486