LY HÔN KHI BỊ ĐƠN LÀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI NHƯNG KHÔNG RÕ ĐỊA CHỈ
08/122021
TRỢ LÝ LUẬT SƯ - TIẾN ĐẠT
LY HÔN KHI BỊ ĐƠN LÀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI NHƯNG KHÔNG RÕ ĐỊA CHỈ
Ly hôn là biện pháp cuối cùng của vợ chồng khi xảy ra mâu thuẫn, đời sống hôn nhân lâm vào thế trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, ly hôn cũng được xem như là sự giải thoát cho cả hai bên bởi vì có tiếp tục chung sống cũng không thể hạnh phúc. Trên cơ sở pháp lý, ly hôn chính là chấm dứt quan hệ vợ chồng, quan hệ hôn nhân bằng bản án hay quyết định có hiệu lực của Tòa án. Cả hai bên vợ chồng hoặc một bên vợ, chồng có thể tiến hành ly hôn theo phương thức thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn.
Về quyền yêu cầu ly hôn, pháp luật HN&GĐ quy định về quyền yêu cầu ly hôn tại Điều 51,bao gồm các chủ thể sau:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Pháp luật HN&GĐ quy định về trường hợp giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Điều 127 như sau:
- Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
- Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
- Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Trên thực tế, căn cứ theo quy định tại Điều 35, 37 BLTTDS năm 2015 thì TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Thông thường trên thực tế khi khởi kiện vụ án ly hôn, người khởi kiện phải cung cấp cho TA các thông tin, địa chỉ cụ thể của người bị khởi kiện, tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều trường hợp người bị kiện cư trú ở nước ngoài nhưng không biết rõ địa chỉ cụ thể, thì sẽ giải quyết như thế nào?
Dường như pháp luật đã dự liệu trước được những trường hợp sẽ xảy ra, nên việc giải quyết ly hôn trong trường hợp bị đơn ở nước ngoài không biết được địa chỉ cụ thể sẽ được giải quyết như sau:
Căn cứ theo quy định tại Công văn 253/2018/TAND-TC quy định cụ thể về giải quyết ly hôn có bị đơn là người Việt Nam, ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ, cụ thể như sau:
Vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài là một trường hợp đặc thù; quyền ly hôn là một trong các quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Do vậy, trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết.
Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử, Tòa án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.
Như vậy, trường hợp người khởi kiện không biết rõ địa chỉ của bị đơn thì phải cung cấp cho TA địa chỉ nơi bị đơn cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn. Tòa án có thể căn cứ, xem xét dựa trên yếu tố thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.
Như vậy, có thể thấy pháp luật đã quy định rất cụ thể và rõ ràng về trường hợp này.
Trên đây là nội dung tư vấn của công ty chúng tôi.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
📍 Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận cầu giấy Cầu Giấy, thành phố Hà Nội