KHÁI NIỆM CẤU THÀNH TỘI PHAM
  • 08/032023
  • Trợ lý Luật sư Cao Vân

KHÁI NIỆM CẤU THÀNH TỘI PHAM

Cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho một loại tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Quá trình xây dựng cấu thành tội phạm chính là quá trình khái quát hóa thực tiễn về biểu hiện của một loại tội phạm và từ đó rút ra được những dấu hiệu chung của một loại tội phạm cụ thể. Mặc dù mỗi tội phạm đều có cấu trúc chung của cấu thành tội phạm gồm 04 yếu tố: khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan; nhưng nội dung của cấu thành của mỗi tội phạm cụ thể đều có những dấu hiệu phản ánh bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đó với những nét đặc trưng, điển hình riêng.

Mỗi yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm nhiều dấu hiệu khác nhau. Các dấu hiệu đó là: quan hệ xã hội bị xâm hại, độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự, hành vi khách quan, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn phạm tội, lỗi, động cơ, mục đích phạm tội. Tùy thuộc vào việc dấu hiệu đó bắt buộc phải có mặt trong mọi cấu thành tội phạm hay không mà các dấu hiệu này được chia làm hai nhóm: dấu hiệu bắt buộc và dấu hiệu không bắt buộc.

Các dấu hiệu bắt buộc là những dấu hiệu phải có trong mọi cấu thành tội phạm cụ thể, đó là những dấu hiệu: quan hệ xã hội bị xâm hại (thuộc khách thể của tội phạm), độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự (thuộc chủ thể của tội phạm), hành vi nguy hiểm cho xã hội (thuộc mặt khách quan của tội phạm) và lỗi (thuộc mặt chủ quan của tội phạm).

Các dấu hiệu không bắt buộc là những dấu hiệu không buộc phải có mặt trong mọi cấu thành tội phạm cụ thể. Điều này có nghĩa là trong dấu hiệu đó có thể có mặt trong cấu thành tội phạm cụ thể này nhưng không nhất thiết phải có mặt trong cấu thành tội phạm cụ thể khác. Bao gồm các dấu hiệu: hậu quả, mối quan hệ nhân quả, các dấu hiệu bên ngoài khác (thuộc mặt khách quan của tội phạm); mục đích và động cơ phạm tội (thuộc mặt chủ quan của tội phạm).

Tuy nhiên, nếu một dấu hiệu thuộc nhóm không bắt buộc được quy định trong cấu thành tội phạm của một tội phạm cụ thể thì nó lại là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm đó. Ví dụ: trong cấu thành tội phạm của Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113) ở yếu tố mặt chủ quan có quy định dấu hiệu mục đích chống chính quyền nhân dân, như vậy, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mọi cấu thành tội phạm nhưng đối với cấu thành tội phạm Tội khủng bố (Điều 299) thì đây lại là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm này.

Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW

Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Website:https://sjklaw.vn/

Email: sjk.law@hotmail.com

Hotline: 1900636292.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: