Động cơ và mục đích phạm tội
  • 24/032023
  • Trợ lý Luật sư Cao Vân

Động cơ và mục đích phạm tội

1. Động cơ phạm tội

Động cơ phạm tội chỉ được đặt ra đối với lỗi cố ý, trong các tội phạm thực hiện với lỗi vô ý, người phạm tội không có hoạt động có định hướng mục đích đến việc thực hiện tội phạm, ở người phạm tội không có động lực thực hiện tội phạm.

Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội.

Đa số trường hợp phạm tội, động cơ phạm tội là tình tiết định khung tăng nặng hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Do đó, việc xác định chúng có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt hoặc quyết định hình phạt. Ví dụ: Phạm tội “vì động cơ đê hèn” của tội giết người, được quy định tại điểm q khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, hay tình tiết tăng nặng “phạm tội vì động cơ đê hèn” tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.

2. Mục đích phạm tội

Cũng như động cơ của tội phạm, mục đích của tội phạm cũng chỉ đặt ra đối với lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội quyết định đến ý chí của người phạm tội nhằm hướng ý chí đến việc thực hiện tội phạm.

Mục đích phạm tội là cái mốc mà người phạm tội mong muốn đạt đến khi thực hiện tội phạm.

Giữa mục đích phạm tội và hậu quả của tội phạm luôn có mối liên quan chặt chẽ với nhau, hậu quả của tội phạm chính là sự thể hiện, sự phản ánh mục đích phạm tội. Chính vì vậy, trong dấu hiệu định tội của mỗi cấu thành tội phạm chỉ có sự hiện diện của một trong hai dấu hiệu này mà thôi. Những tội phạm nào mà hậu quả dễ xác định thì trong cấu thành tội phạm không có dấu hiệu mục đích, ví dụ: tội trộm cắp tài sản, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác… Ngược lại, những tội phạm khó xác định hậu quả thì cấu thành tội phạm có sự xuất hiện của mục đích phạm tội, ví dụ: ở các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.

Trên thực tế, không phải hậu quả nào mà tội phạm gây ra cũng đều thể hiện được mục đích phạm tội. Bởi vì, mục đích phạm tội thuộc về ý thức chủ quan, về thái độ tâm lý của người phạm tội và nó luôn tồn tại với lỗi cố ý trực tiếp, trong khi đó, hậu quả của tội phạm là biểu hiện ở hiện thực khách quan, là kết quả của hành vi gây ra dưới sự tác động của các tình huống, hoàn cảnh khách quan… nên có nhiều trường hợp, hậu quả không xảy ra hoặc xảy ra nhưng không phản ánh đúng mục đích của người phạm tội. Ví dụ: Lê Minh T vì muốn giết B nên đã dùng súng bắn B, tuy nhiên do ngắm không kỹ nên T đã bắn không trúng B mà trúng mẹ của B đang ngồi trong nhà, dẫn đến hậu quả mẹ B chết.

Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW

Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Website:https://sjklaw.vn/

Email: sjk.law@hotmail.com

Hotline: 1900636292.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: