CƯỠNG ÉP KẾT HÔN VÀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ
Câu hỏi tư vấn:
Xin chào Luật sư, em gái tôi là T làm giúp việc cho gia đình nhà ông A và bà B , gia đình họ có người con trai là C bị bệnh đao bẩm sinh, gia đình ông rất có điều kiện, có tiếng. Em gái tôi làm giúp việc cho nhà ông bà đã lâu, vì muốn cưới vợ cho con trai nên gia đình ông đã vu cáo cho em tôi lấy trộm số tiền là 3.000.000 đồng, và gia đình ông bà đe dọa nếu không muốn bị báo lên công an, không muốn phải đi tù thì phải cưới anh C vừa được làm bà chủ, có cuộc sống sung túc vừa không phải chịu kiếp đi làm thuê nhà người khác. Do lo sợ và trình độ nhận thức, hiểu biết còn hạn hẹp nên em tôi đã đồng ý cưới C hôn lễ chỉ được tổ chức giữa hai gia đình và không làm thủ tục đăng ký kết hôn. Vậy, tôi muốn hỏi hành vi của ông A và bà B có vi phạm pháp luật hay không? Và bị xử lý như thế nào?
Yêu cầu tư vấn:
Đe dọa, cưỡng ép kết hôn có là hành vi vi phạm pháp luật? Biện pháp xử lý?
Căn cứ pháp lý:
Luật HN&GĐ năm 2014
Nghị định 82/2020/NĐ-CP
Bộ luật Hình sự năm 2015
Luật sư tư vấn:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty chúng tôi. Đối với yêu cầu của bạn được Luật sư giải đáp như sau:
Hành vi của gia đình nhà ông A và bà B, đe dọa bằng tinh thần để ép buộc em gái bạn kết hôn với anh C. Trong pháp luật HNGĐ định nghĩa đó là hành vi cưỡng ép kết hôn. Cụ thể tại khoản 9 Điều 3 Luật HN&GĐ quy định cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Hành vi của hai vợ chồng ông A và bà B là hành vi vi phạm pháp luật,vì chế độ hôn nhân ở nước ta là hôn nhân dựa trên tinh thần tự nguyện, không bị cưỡng ép, ép buộc, lừa dối. Hành vi cưỡng ép kết hôn là hành vi pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ năm 2014.
Pháp luật cũng quy định về mức phạt đối với hành vi cưỡng ép kết hôn tại điểm c khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP cụ thể là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện tại Điều 181 như sau: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.
Căn cứ theo quy định trên có thể xác định hành vi của vợ chồng ông A bà B là hành vi vi phạm pháp luật, đã vu cáo cho em gái bạn tội trộm cắp tài sản để uy hiếp tinh thần và buộc em gái bạn kết hôn với con trai họ, hành vi cưỡng ép kết hôn của họ tùy vào tình chất và mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của em gái bạn, trước hết hai bên gia đình cần trao đổi với nhau để em gái bạn kết thúc cuộc sống chung với anh C, trường hợp nếu vợ chồng nhà ông A bà B không nhất trí có thể báo cáo với chính quyền để xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư đối với yêu cầu của bạn.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Website: https://sjklaw.vn/
Email: sjk.law@hotmail.com
Hotline: 0962420486