CÁCH XÁC ĐỊNH MỐI QUAN HỆ CHA CON THỰC TẾ KHI KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
06/122021
TRỢ LÝ LUẬT SƯ - TIẾN ĐẠT
CÁCH XÁC ĐỊNH MỐI QUAN HỆ CHA CON THỰC TẾ KHI KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
Câu hỏi tình huống:
Xin chào Luật sư, tôi có vấn đề thắc mắc như sau: Năm 2016 anh A và chị B kết hôn và đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kết hôn được 02 năm do tính cách không hợp, mâu thuẫn bất đồng xảy ra thường xuyên nên hai anh chị đã ly thân một thời gian. Trong thời gian ly thân, chị B đã có quan hệ tình cảm với anh C. Tháng 10 năm 2019 chị B sinh một cháu gái tên là H đến nay vẫn chưa đăng ký khai sinh cho cháu.
Tháng 5 năm 2020 chị B và anh A ly hôn theo thủ tục thuận tình ly hôn. Sau đó anh C biết cháu H là con của mình và muốn nhận cháu là con, chị B thừa nhận cháu H là con của anh C, anh A biết và cũng không có tranh chấp hay phản đối việc anh C nhận cháu H là con.
Vậy trong trường hợp này việc xác định cha con được thực hiện như thế nào?
Yêu cầu pháp lý:
Cách xác định cha, con khi không đăng ký kết hôn?
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Luật HN&GĐ năm 2014
Luật Hộ tịch năm 2014
Thông tư 15/2015/TT-BTP Quy định chi tiết một số điều Luật Hộ tịch và nghị định 123/2015/NĐ-CP
Nghị định 126/2014/NĐ-CP.
Luật sư tư vấn:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty chúng tôi. Đối với vấn đề thắc mắc của bạn được Luật Sư tư vấn như sau:
Đầu tiên về căn cứ để xác định cha, mẹ, con được quy định tại Điều 88 Luật HN&GĐ năm 2014 như sau:
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân, con sinh ra trong khoảng thời gian này được xác định là con chung của vợ chồng. Do đó, có thể thấy thời kỳ hôn nhân được coi là một nguyên tắc quan trọng để xác định tính đương nhiên trong việc xác định cha mẹ con.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Thời kỳ chấm dứt hôn nhân là thời điểm quyết định, bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thời điểm chấm dứt hôn nhân khi vợ hoặc chồng chết được xác định theo ngày được ghi trong giấy chứng tử.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trường hợp hôn nhân được xác lập sau ngày con sinh ra nhưng được vợ chồng thừa nhận thì để bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ nhỏ, pháp luật quy định đứa trẻ là con chung của vợ chồng.
Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Thứ hai, về thẩm quyền xác định cha, mẹ con: Cơ quan có thẩm quyền xác định cha, mẹ con được thực hiện theo quy định tại Điều 101 Luật HN&GĐ năm 2014 bao gồm:
Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp người có yêu cầu xác định cha, mẹ, con chết. Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Từ những quy định trên, đối chiếu với trường hợp của bạn ta thấy:
- Về căn cứ xác định cha con: Cháu H được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa chị B và anh A, nên cháu H được xác định là con chung của anh A và chị B.
- Về thẩm quyền xác định cha, con: Trong tình huống, anh C muốn nhận cháu H làm con của mình thì anh C phải có chứng cứ, tài liệu chứng minh quan hệ cha con như kết quả giám định AND, chị B cũng thừa nhận đó là con anh C và anh A cũng không có ý kiến phản đối. Từ đây có thể xác định không có tranh chấp phát sinh, có sự đồng thuận từ cả hai phía.
Về điều kiện nhận con được quy định như sau: Trong trường hợp người được nhận là con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của mẹ hoặc cha, trừ trường hợp mẹ hoặc cha đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Nếu con chưa thành niên từ đủ chín tuổi trở lên thì việc nhận cha, mẹ, con phải có sự đồng ý của người con đó. Vậy nên khi đã được sự đồng ý mẹ, cần lưu ý trường hợp nếu cháu H đủ từ 09 tuổi trở lên phải hỏi ý kiến của cháu và cần sự đồng ý của cháu H.
Tuy nhiên, có thể thấy khi anh C yêu cầu nhận cháu H làm con thì phát sinh mâu thuẫn giữa việc cháu H được pháp luật công nhận và bảo vệ cháu là con của anh A vì cháu H được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa nah A và chị B vì lúc đó hai vợ chồng anh chị chỉ đang ly thân, chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân và việc cháu H là con trên thực tế của anh C. Từ đó xảy ra tình trạng tranh chấp giữa con trên cơ sở pháp lý và con trên thực tế. Yêu cầu này làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan.
Vậy nên, để giải quyết yêu cầu trên thì Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của anh C. Căn cứ vào quy định tại Điều 28 và Điều 35 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015. Thì việc xác định cha con thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Cụ thể, Tòa án nhân dân cấp huyện của bị đơn là chị B là nơi có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định cha con của anh C. Hồ sơ pháp lý bao gồm: Đơn khởi kiện (theo mẫu), Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ sổ hộ khẩu của anh C và các chứng cứ kèm theo để chứng minh quan hệ cha con giữa anh C và cháu H.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư đối với yêu cầu của bạn.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆𝐓𝐘𝐋𝐔Ậ𝐓𝐓𝐍𝐇𝐇𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội