CÁC HÌNH THỨC ĐỒNG PHẠM
1. Phân loại theo dấu hiệu chủ quan
Theo dấu hiệu này, đồng phạm gồm hai hình thức là đồng phạm không có thông mưu trước và đồng phạm có thông mưu trước.
Đồng phạm không có thông mưu trước là hình thức đồng phạm trong đó không có sự thoả thuận, bàn bạc trước với nhau về tội phạm mà họ cùng thực hiện.
Thuộc hình thức đồng phạm này có thể là trường hợp những người đồng phạm đồng ý với nhau về tội phạm sẽ thực hiện tại nơi tội phạm sẽ xảy ra và thực hiện ngay tội phạm đó hoặc là trường họp đồng phạm được hình thành khi có người đang thực hiện tội phạm. Trong cả hai trường hợp này, những người đồng phạm đều không có điều kiện để bàn bạc với nhau về tội phạm mà họ cùng nhau thực hiện.
Đồng phạm có thông mưu trước là hình thức đồng phạm, trong đó những người đồng phạm đã có sự thoả thuận bàn bạc trước với nhau.
Do có việc thoả thuận, bàn bạc như vậy nên giữa những người đồng phạm có mối quan hệ phạm tội chặt chẽ hơn, có điều kiện chuẩn bị hơn, có khả năng gây thiệt hại lớn hơn, V.V.. Hình thức đồng phạm này nhìn chung nguy hiểm hơn hình thức đồng phạm không có thông mưu trước.
2. Phân loại theo dấu hiệu khách quan
Theo dấu hiệu khách quan, đồng phạm được chia thành hai hình thức là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp.
Đồng phạm giản đơn là hình thức đồng phạm trong đó những người cùng tham gia vào vụ phạm tội đều giữ vai trò là người thực hành.
Đây là trường hợp đồng phạm ttong đó tất cà những người đồng phạm đều thực hiện hành vi phạm tội được mô tả trong cấu thành tội phạm. Do đều là người thực hành nên những người đồng phạm trong đồng phạm giản đơn được gọi là những người đồng thực hành.
Đồng phạm phức tạp là hình thức đồng phạm trong đó những người đồng phạm giữ các vai trò khác nhau.
Đây là trường hợp đồng phạm trong đó không chỉ có người thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm mà còn có người thực hiện hành vi tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức việc thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Với quy định về phạm tội có tổ chức trên đây, luật hình sự Việt Nam xác định có 2 hình thức đồng phạm là phạm tội có tổ chức (đồng phạm có tổ chức) và đồng phạm bình thường (các trường họp đồng phạm khác). Đặc điểm có sự câu kết chặt chẽ của đồng phạm có tổ chức vừa thể hiện mức độ liên kết về mặt chủ quan vừa thể hiện mức độ phân chia vai trò, nhiệm vụ cụ thể về mặt khách quan của những người đồng phạm. Trong đồng phạm có tổ chức, giữa những người đồng phạm vừa có sự liên kết chặt chẽ với nhau vừa có sự phân chia vai trò, phân công nhiệm vụ tương đối rõ rệt, cụ thể. Với tính chất như vậy, đồng phạm có tổ chức thường có những đặc điểm:
- Nhóm phạm tội được hình thành với phương hướng hoạt động có tính lâu dài, bền vững. Trong nhóm tồn tại quan hệ chỉ huy - phục tùng. Mỗi người đồng phạm đều chịu sự điều khiển chung thống nhất, đều coi và sử dụng hình thức đồng phạm là công cụ sức mạnh trong hoạt động phạm tội của mình.
- Trong hoạt động, nhóm phạm tội có sự chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ cho việc thực hiện cũng như cho việc che giấu tội phạm với phương pháp, thủ đoạn thường tinh vi, xảo quyệt V.V..
Với đặc điểm như vậy, đồng phạm có tổ chức có nhiều khả năng cho phép phạm tội liên tục, nhiều lần, gây ra hậu quả lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn.
Phạm tội có tổ chức được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. lình tiết này không những được quy định chung tại Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 mà còn được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của nhiều tội phạm như ở tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp (Điều 325 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)...
Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW
Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Website:https://sjklaw.vn/
Email: sjk.law@hotmail.com
Hotline: 1900636292.