CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
  • 23/102021
  • Chuyên viên Nguyễn Hoài

CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Trong xu thế hội nhập, sự đa dạng hóa các “sản phẩm trí tuệ” đặt ra những vấn đề pháp lý về sự bảo hộ của pháp luật. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng cần phải ngăn chặn trước sự đe dọa sẽ xảy ra trong tương lai và đặc biệt là cần làm gì khi quyền sở hữu trí tuệ của một chủ thể bị xâm phạm, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng nhất cho chủ thể mang quyền? Để hiểu rõ hơn, mời quý bạn đọc tham khảo bài phân tích “Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”

Tác giả: Nguyễn Thu Hoài

1.    Quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.  Đối tượng của quyền SHTT là tài sản trí tuệ, chủ thể quyền SHTT là tổ chức, cá nhân và việc phân loại các quyền SHTT thành ba loại quyền khác nhau: (i) Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; (ii) Quyền sở hữu công nghiệp; (iii) Quyền đối với giống cây trồng. 

Quyền tác giả được định nghĩa là quyền đối với tác phẩm ,  còn tác phẩm được hiểu đơn thuần là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phư¬ơng tiện hay hình thức nào (Khoản 7 điều 4 Luật SHTT).

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (Khoản 7 điều 4 Luật SHTT)

2.    Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Chủ thể quyền có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ theo điều 198 luật SHTT như: (i) áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; (ii) yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; (iii) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; (iv) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Ngoài ra có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự (điều 199 luật SHTT). Đối với quyền SHCN mà quyền được xác lập thông qua thủ tục đăng kí thì việc xử lí hành vi xâm phạm quyền SHCN sẽ đơn giản và dễ dàng vì đối tượng và phạm vi quyền được bảo hộ dựa trên cơ sở văn bằng bảo hộ được cấp. So với xử lí xâm phạm quyền SHTT bằng cơ chế cạnh tranh không lành mạnh khó khăn và phức tạp hơn. Vì vậy, trong thực tế, khi đối tượng xâm phạm được bảo hộ quyền SHCN, việc xử lí hành vi xâm phạm quyền SHCN sẽ được ưu tiên áp dụng vì nó đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả hơn là áp dụng cơ chế cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ nhất, áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: theo điều 21 Nghị định 105/2006 được sửa đổi bởi Nghị định số 119/2010/NĐ-CP. Đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về quyền sở hữu trí tuệ lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, bản gốc và bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (sau đây trong Điều này gọi chung là sản phẩm) nhằm thông báo rằng sản phẩm là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm. Sử dụng phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ như sử dụng tem chống hàng giả, sử dụng các biện pháp công nghệ.

Chủ thể có quyền SHTT bị xâm phạm có thể gửi đơn thu khuyến cáo đến chủ thể xâm phạm. Từ đó, yêu cầu doanh nghiệp X có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại theo điểm b khoản 1 điều 198 luật SHTT. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm (Khoản 3 điều 21 Nghị định 105/2006/NĐ-CP sửa đổi bởi nghị định 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính Phủ).

Tuy nhiên, việc này thường chỉ nhanh và dễ đối với những hành vi xâm phạm được thực hiện do không cố ý, do cơ sở vi phạm thiếu hiểu biết pháp luật. Nếu có sự đàm phán giữa hai bên, bên vi phạm có thể nhận sai và hứa không vi phạm, đưa ra một thời hạn để thu hồi sản phẩm, hàng hóa, ấn phẩm... nhưng rất khó tránh việc trong thời hạn đó họ có thể bán được hàng thu tiền, hay đợi khi sản phẩm hết hạn thì việc thu hồi về cũng không còn ý nghĩa cho biện pháp này.

Khi đó, chủ thể có quyền SHTT bị xâm phạm nên yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý bằng cách áp dụng các biện pháp dân sự, hình sự hoặc hành chính. Khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc này được hướng dẫn bởi Chương III Nghị định 105/2006/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 119/2010/NĐ-CP. Tại khoản 3 và 4 Điều 1 Điều 23, người yêu cầu xử lý xâm phạm phải gửi kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm các tài liệu, chứng cứ sau đây để chứng minh yêu cầu của mình: (i) Chứng cứ chứng minh là chủ thể quyền nếu người yêu cầu là chủ sở hữu; (ii) Chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm đã xảy ra; (iii) Các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh yêu cầu của mình.

Thứ hai, áp dụng các biện pháp dân sự: căn cứ áp dụng quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo quy định tại điều 203 Luật SHTT và theo Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT: (i) buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; (ii) buộc xin lỗi, cải chính công khai; (iii) buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; (iv) buộc bồi thường thiệt hại.

Thứ ba, áp dụng các biện pháp hành chính: Khi xử lý hành chính, tùy vào hành vi xâm phạm mà cơ quan có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục.

- Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hành chính hiện nay quy định trong Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

+ Tại điều 11 nghị định này: (i) Điểm a khoản 1 quy định hành vi “Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý” bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 2 triệu đồng đối hành vi vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3 triệu đồng; (ii) Tại khoản 13 điều 11 quy định Phạt tiền bằng 1,2 lần mức tiền phạt trên đối với hành vi đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Tức là có thể bị phạt tiền từ 600.000 – 2.400.000 đồng.

+ Điều 13 quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang chỉ dẫn địa lý giả mạo; phụ thuộc vào số lượng vật phẩm mang chỉ dẫn địa lý giả mạo

- Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm sẽ bị xử phạt theo nghị định của Chính phủ số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, sửa đổi, bổ sung bởi nghị định số 28/2017/NĐ-CP. Theo đó tại điều 10 quy định: (i) Phạt tiền từ 03 triệu – 05 triệu đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; (ii) Phạt tiền từ 05 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Bên cạnh đó yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc cải chính công khai; buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm...

Thứ tư, áp dụng các biện pháp hình sự: Khi có dấu hiệu của tội phạm hay các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có đủ các yếu tố cấu thành một trong các tội quy định trong Bộ luật hình sự thì được coi là tội phạm. Căn cứ quy định tại Bộ luật hình sự mà cơ quan có thẩm quyền xử lý các tội phạm này như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192); Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226), Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định trường hợp không được phép của chủ thể quyền tác giả mà cố ý: (i) sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; (ii) phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình gây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam mà gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu - dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác (Điều 271).

- Thứ năm, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ là việc cơ quan có thẩm quyền tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lưu ý:

Một vấn đề đáng được quan tâm trong vụ việc này là việc bồi thường thiệt hại. Để yêu cầu được bồi thường thiệt hại, chủ thể bị xâm phạm cần chứng minh, nêu được cụ thể những thiệt hại vật chất và tinh thần trên thực tế được gây ra bởi những hành vi xâm phạm QTG.

Bên cạnh đó, biện pháp dân sự có thể áp dụng đồng thời với biện pháp hành chính hoặc hình sự, nhưng đã áp dụng biện pháp hành chính thì không khởi tố hình sự . Biện pháp hành chính thường nhanh chóng và hiệu quả trong khi tính răn đe thể hiện cao hơn ở biện pháp hình sự.

Những hành vi xâm phạm nêu trên còn gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của người mang quyền SHTT. Vì vậy, cần xem xét mong muốn mục đích của chủ thể mang quyền cũng như mức chi phí để lựa chọn phương hướng phù hợp.

------

Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ. Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

Luật sư CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW

Hotline yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn: 0962420486

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: sjk.law@hotmail.com Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng! Trân trọng ./.

 

THAM KHẢO:

1. Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật 1886 (Berne Converntion for the Protection of Literary and Artistic Works);

2. Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ - Hiệp định TRIPs 1994 (Agreement on trade – related aspactes of intellectual property rights 1994);

3. Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả 1996 (The WIPO copyright Treaty – WTC);

4. Công ước toàn cầu về bản quyền (Universal Copyright Convention – UCC);

5. Bộ luật dân sự 2015;

6. Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017);

7. Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019;

8. Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ về quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019

9. Đặng Vũ Huân. “Áp dụng pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp”, Dân chủ và pháp luật, Bộ Tư pháp, số 8/2016, tr.26;

10. Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

11. Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý Nhà nước về SHTT sửa đổi bởi nghị định 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính Phủ;

12. Thông tư 11/2015/TT-BKHCN Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

13. Thông tư 11/2015/TT-BKHCN Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

14. Quỳnh Nga (2018). Xâm phạm bản quyền - những vấn đề chưa có hồi kết, xem 24/01/2021.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: