TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT YÊU CẦU PHÁ SẢN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí là 100 % vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư ra nước ngoài khá nhiều, do đó tồn tại tài sản của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam ở nước ngoài, quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế còn dẫn đến nhiều trường hợp đa dạng khác mà tài sản doanh nghiệp phá sản không chỉ nằm trên lãnh thổ Việt Nam.
Phá sản có yếu tố nước ngoài được hiểu theo nghĩa hẹp là trường hợp con nợ bị lâm vào tình trạng phá sản có tài sản ở nhiều nước. Theo nghĩa rộng, thuật ngữ “Phá sản có yếu tố nước ngoài ” được sử dụng đối với trường hợp phá sản mà có bất kỳ yếu tố nước ngoài nào như: doanh nghiệp có hoạt động ở ngoài lãnh thổ quốc gia dù cho hoạt động đó không có sự hỗ trợ tài sản hoặc trường hợp chủ nợ của doanh nghiệp ở nước ngoài.
Từ thực tế giải quyết các vụ phá sản cho thấy, có ba đặc điểm về phá sản doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài bao gồm:
- Chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nước ngoài;
- Chủ nợ, con nợ là tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Việc giải quyết yêu cầu phá sản có yếu tố nước ngoài gặp những khó khăn như sau:
+ Đối với chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài: có trường hợp chủ đầu tư nước ngoài đã bị phá sản, khi đó, liên doanh Việt Nam rơi vào cảnh bơ vơ, không rõ ai là ông chủ, ai sẽ đại diện cho phần vốn nước ngoài tại liên doanh để tham gia vào quá trình giải quyết phá sản.
+ Đối với doanh nghiệp liên doanh tự đề nghị Toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp của mình, người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài có thể về nước mà không báo cho ai. Đến nay, chưa có cơ chế cản xuất cảnh nào đối với những người này. Phía Việt Nam trong liên doanh cũng không có quyền yêu cầu họ ở lại.
+ Khi chủ nợ, con nợ là người nước ngoài, nhiều trường hợp thông báo, công văn của Toà án gửi đi, nhưng chủ nợ, con nợ không nhận được, vì họ đã chuyển trụ sở và không thông báo cho doanh nghiệp Việt Nam biết. Có nhiều trường hợp tỉ lệ nợ nước ngoài khá cao, điều này dẫn đến tình trang kho có thể mở Hội nghị chủ nợ nếu không đạt được tỉ lệ theo luật định. Bởi vậy, nếu không thể thông báo cho chủ nợ nước ngoài, vụ phá sản có thể sẽ làm vào tình trạng bế tắc, không thể đình chỉ, cũng không thể tiếp tục.
Để giải quyết những vấn đề bất cập nêu trên, Luật Phá sản năm 2014 đã bổ sung các quy định về phá sản có yếu tố nước ngoài như sau:
+ Về người tham gia thủ tục phá sản. Điều 116 Luật Phá sản năm 2014 quy định:
“Điều 116. Người tham gia thủ tục phá sản là người nước ngoài
Người tham gia thủ tục phá sản là người nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản của Việt Nam.”
Theo quy định, người tham gia thủ tục phá sản là người nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản của Việt Nam. Như vậy, về cơ bản, không có sự khác biệt giữa việc người tham gia thủ tục phá sản là người Việt Nam hay người nước ngoài sinh sống, làm ăn tại Việt Nam hay ở nước ngoài và có liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
+ Về uỷ thác tư pháp. Điều 117 Luật phá sản 2014 đã quy định: Trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản có yếu tố nước ngoài, Toà án nhân dân thực hiện uỷ thác tư pháp theo hiệp định tương trợ tư pháp mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Thủ tục ủy thác tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, pháp luật về tương trợ tư pháp.
Tại Điều 6 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 quy định về tương trợ tư pháp như sau: 1. Uỷ thác tư pháp là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông qua ủy thác tư pháp.”
+ Về công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài. Việc công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài thực hiện theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên và quy định khác của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với SJKLaw theo các phương thức sau:
Tư vấn trực tiếp: Văn phòng đại diện công ty Luật trách nhiệm hữu hạn SJKLaws, địa chỉ tại : Số 3 ngõ 115 Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Dịch vụ luật sư tư vấn qua số điện thoại tổng đài: 0962420468- 0933192699
Tư vấn qua email: nội dung yêu cầu tư vấn đến địa chỉ email: sjk.law@hotmail.com