TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÔNG TY CỔ PHẦN
  • 23/102021
  • Trợ lý lý Luật sư Thu Hoài

TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÔNG TY CỔ PHẦN

Trong quá trình hình thành và phát triển, CTCP đã từng tồn tại với nhiều mô hình quản lý khác nhau. Ví dụ: Mô hình quản lý của Anh Mỹ ( là mô hình đơn hội đồng), hay châu Âu lục địa ( theo mô hình quản lý đa hội đồng),…Việc tổ chức, quản lý CTCP trên thực tế là rất phức tạp. Tất cả các mô hình quản lý đều có mục tiêu chung là tạo khả năng để cổ đông có thể kiểm soát được những người điều hành công ty một cách tốt nhất. Trong CTCP luôn có sự tách bạch về quyền sở hữu và quyền quản lý, điều hành công ty, các cổ đông là chủ sở hữu nhưng không trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty.

Về cơ cấu tổ chức quản lý CTCP được quy định tại Điều 137 Luật doanh nghiệp 2020. Tuy nhiên, tại các công ty cổ phần có đầy đủ các điều kiện để trở thành công ty đại chúng thì việc quản lý sẽ rất ngặt nghèo và yêu cầu cao hơn so với CTCP nói chung. Ngoài việc tuân thủ quy định về tổ chức, quản lý của Luật doanh nghiệp nói chung, công ty đại chúng còn phải tuân thủ nhiều quy định khác. Ví dụ: tuân thủ quy định củ thể quy định của Bộ tài chính áp dụng với công ty đại chúng có cổ phần niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán.

Bài viết này, SJKLaw chỉ xoay quanh vấn đề tổ chức quản lý CTCP nói chung theo quy định tại luật doanh nghiệp 2020.

Nhằm đảm bảo cho công ty phát triển ổn định bền vững, Luật doanh nghiệp quy định về hai mô hình tổ chức, quản lý đối với CTCP đó là:

  • Mô hình thứ nhất gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
  • Mô hình thứ hai gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc

Hai mô hình khác nhau về cơ cấu tổ chức nhưng pháp luật vẫn quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan quản lý, nghĩa vụ của người quản lý,…

Mô hình thứ nhất: mô hình có Ban kiểm soát

Cơ cấu tổ chức, quản lý của mô hình này được quy định như sau:

+ Đại hội đồng cổ đông

Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất và họ là những người sở hữu công ty. Đại hội đồng cổ đông có chức năng là ra các quyết nghị liên quan tới những vấn đề lớn và quan trọng của công ty, đó là: Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên; Thông qua định hướng phát triển của công ty; Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần; Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;….Đây được xem là những vấn đề lớn liên quan tới sự tồn tại và phát triển công ty.

Đại hội đồng cổ đông thực hiện quyền lực thông qua các cuộc họp và ra các quyết nghị. Đại hội đồng tiến hành họp thường niên mỗi năm một lần, ngoài ra cũng có thể họp bất thường. Cuộc họp đại hội đồng cổ đông được xem là rất quan trọng, vì thế luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định rất cụ thể về: triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông, chương trình và nội dung họp Đại hội đồng cổ đông, điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông,…

+ Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Pháp luật quy định giới hạn về quyền của Hội đồng quản trị, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, hay vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông nhằm để hội đồng quản trị có thể thực hiện một cách tốt nhất về chức năng, nhiệm vụ của mình và để tránh việc lạm dụng quyền hạn. Luật doanh nghiệp quy định những vấn đề đối với Hội đồng quản trị như sau:

+ Về chủ tịch Hội đồng quản trị: luật doanh nghiệp quy định quyền và nghĩa vụ của chủ tịch, mối quan hệ giữa chủ tịch với Hội đồng quản trị. Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị. Chủ tịch là người đứng đầu hội đồng quản trị, quản lý điều hành Hội đồng quản trị sao cho hiệu quả và đạt được nhiều lợi ích cho công ty, cổ đông và những người có quan hệ với công ty.

+ Về cơ cấu tổ chức hội đồng quản trị, bao gồm: Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị, tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị.

+ Về quyền và nghĩa vụ của hội đồng quản trị: quy định theo từng lĩnh vực quản lý kinh doanh, bao gồm: Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty; quy định liên quan tới tài chính công ty: phương hướng đầu tư và phát triển thị trường,…quy định về các vấn đề nhân sự: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định,…

+ Về cuộc họp của hội đồng quản trị: Luật doanh nghiệp quy định cuộc họp hội đồng quản trị qua những vấn đề: lịch họp, điều kiện tiến hành phiên họp, quyền triệu tập họp,…Hội đồng quản trị làm việc theo chế độ tập thể, các vấn đề luôn được bàn, bỏ phiếu, thông qua tại phiên họp.

+ Ngoài ra luật doanh nghiệp cũng quy định về quyền được cung cấp thông tin, thể thức miễn nhiệm, bãi nhiệm và bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.

Giám đốc và tổng Giám đốc công ty

Là người điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty do Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Giám đốc và tổng Giám đốc có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty, vì vậy Luật doanh nghiệp cũng đã quy định rất chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của giám đốc và tổng giám đốc theo từng lĩnh vực kinh doanh của công ty, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm kỳ đối với giám đốc và tổng giám đốc,…

Ban kiểm soát công ty

Ban kiểm soát do Đại hội đồng cổ đông thành lập và là một định chế trong hệ thống quản trị CTCP. Đặc trưng của CTCP là công ty đối vốn, nên có rất nhiều thành viên và họ không trực tiếp quản lý công ty. Mọi hoạt động đều do Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc thực hiện nên cần có một cơ quan làm nhiệm vụ kiểm tra giám sát (ban kiểm soát). Điều này giúp đảm bảo an toàn quyền lợi và lợi ích cho các cổ đông.

Pháp luật quy định về Ban kiểm soát với những vấn đề như: về cơ cấu, tổ chức, điều kiện của kiểm soát viên, nhiệm kỳ của kiểm soát viên;  Quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát; Quyền được cung cấp thông tin của Ban kiểm soát;…

Mô hình thứ hai ( mô hình có thành viên độc lập Hội đồng quản trị và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc)

Theo mô hình này thì sẽ không có ban kiểm soát và thay vào đó là thành viên độc lập Hội đồng quản trị và Ủy ban kiểm toán trực thuộc thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện việc kiểm soát điều hành, quản lý công ty. Đồng thời, trong hội đồng quản trị có hai loại thành viên: Thành viên điều hành, thành viên độc lập Hội đồng quản trị và Ủy ban kiểm toán. Tại điểm b khoản 1 Điều 137 Luật doanh nghiệp quy định thì phải có ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập.

Tại Điều 161 luật doanh nghiệp quy định thì ủy ban kiểm toán là cơ quan chuyên môn thuộc Hội đồng quản trị. Ủy ban kiểm toán có từ 02 thành viên trở lên. Chủ tịch Ủy ban kiểm toán phải là thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Các thành viên khác của Ủy ban kiểm toán phải là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành. Tại điều này cũng quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của ủy ban kiểm toán ví dụ như: Giám sát tính trung thực của báo cáo tài chính của công ty và công bố chính thức liên quan đến kết quả tài chính của công ty; Rà soát hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro;…

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ tới chúng tôi theo phương thức sau:

Tư vấn trực tiếp: Văn phòng đại diện công ty Luật trách nhiệm hữu hạn SJKLaw, địa chỉ tại : Số 3 ngõ 115 Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Dịch vụ luật sư tư vấn qua số điện thoại tổng đài: 0962420468- 0933192699

Tư vấn qua email: nội dung yêu cầu tư vấn đến địa chỉ email: sjk.law@hotmail.com

Tags : Các vấn đề pháp lý, Công ty cổ phần, Doanh nghiệp, Pháp luật doanh nghiệp, Sjklaw
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: