TIỀN CHUYỂN NHẦM VÀO TÀI KHOẢN VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ
Hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc chuyển tiền qua điện thoại qua ứng dụng điện tử mang đến sự tiện lợi cho người sử dụng. Tuy nhiên, không ít trường hợp chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác, với số tiền không nhỏ nhưng người nhận được không chịu trả lại tiền.
PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH RA SAO VỀ HÀNH VI SỬ DỤNG TIỀN CHUYỂN NHẦM VÀO TÀI KHOẢN?
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 165, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:
a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.
NGHĨA VỤ HOÀN TRẢ TIỀN CHUYỂN NHẦM VÀO TÀI KHOẢN
Việc sử dụng tiền mà người khác chuyển tiền vào tài khoản của mình là hành vi bị coi là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Thêm vào đó, căn cứ vào Điều 579, Bộ luật dân sự 2015 về nghĩa vụ hoàn trả như sau:
- Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
- Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
CHẾ TÀI VỚI HÀNH VI SỬ DỤNG TIỀN CHUYỂN NHẦM VÀO TÀI KHOẢN
Đối với hành vi sử dụng chuyển nhầm vào tài khoản của người khác không những gây ảnh hưởng đến uy tín của bản thân mà còn gây thiệt hại đến lợi ích của người khác.
Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng thì căn cứ theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác có thể bị xử Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Bên cạnh với các quy định xử phạt hành chính thì hành vi chiếm giữ tài sản từ trên 10.000.000 đồng thì có thể xem xét xử lý theo căn cứ tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
- Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
————————————————-
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW
Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Website:https://sjklaw.vn/
Email: sjk.law@hotmail.com
Hotline: 0962420486