THÀNH VIÊN CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN
Các loại thành viên công ty TNHH
Thành viên được xem là những người chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu công ty. Có thành viên công ty thì mới hình thành nên công ty cũng như quá trình hoạt động của công ty đây cũng chính là điều được xem là “cốt lõi”. Thành viên công ty có thể là cá nhân hoặc pháp nhân đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật và điều lệ công ty. Thành viên công ty được xem xét trên các phương diện như sau:
+ Sau khi công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty phải lập sổ đăng ký thành viên. Thành viên công ty có các quyền theo quy định và được cụ thể hóa tại điều lệ công ty
+ Việc hình thành tư cách pháp lý của các thành viên công ty có thể qua nhiều con đường khác nhau ví dụ như: thông qua việc góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp hoặc thừa kế, tặng cho,…. thành viên công ty sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty
+ Về số lượng thành viên công ty. Tùy thuộc vào loại hình công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn có số lượng thành viên khác nhau. Khác với thành viên CTCP, nếu như thành viên CTCP tối thiểu là 03, luật không quy định số lượng tối đa cổ đông thì đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì số lượng thành viên công ty tối thiểu là 02, tối đa không vượt quá 50 thành viên. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì chủ sở hữu công ty là một tổ chức hoặc một cá nhân.
+ Đối với việc tổ chức, quản lý công ty. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì toàn bộ cơ cấu tổ chức, quản lý công ty phụ thuộc vào quyết định của chủ sở công ty. Trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì thành viên công ty được tham dự họp hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của hội đồng thành viên. Quyền của thành viên trong hội đồng thành viên được thể hiện thông qua phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật DN 2020.
+ Thành viên được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Thành viên công ty được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản.
Giải quyết bài tập tình huống
Câu hỏi: Theo quy định của pháp luật, tổ chức cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, vậy một người có thể tự thành lập nhiều DN được không? Một người có thể thành lập mấy công ty TNHH?
Trả lời:
Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định rất rõ: cá nhân, tổ chức không thuộc đối tượng bị cấm theo quy định tại Điều 18 thì có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp khác nhau pháp luật sẽ quy định rõ rằng cá nhân, tổ chức có thể tự thành lập được bao nhiêu doanh nghiệp.
Đối với loại hình DN tư nhân: Căn cứ theo khoản 3 Điều 183 Luật DN 2020 quy định: Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
Đối với loại hình công ty hợp danh: thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Đối với công ty TNHH, CTCP: một cá nhân có thể thành lập nhiều công ty TNHH, nhiều công ty cổ phần. Tuy nhiên, không được vi phạm quy định của pháp luật về hành vì bị nghiêm cấm trong lĩnh vực DN.
-------------------------------------------------
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn xin vui lòng liên hệ:
𝐂Ô𝐍𝐆 𝐓𝐘 𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐓𝐍𝐇𝐇 𝐒𝐉𝐊𝐋𝐀𝐖
Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận cầu giấy Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Website:https://sjklaw.vn/
Email: sjk.law@hotmail.com
Hotline: 0962420486