PHỤC HỒI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ MẤT KHẢ NĂNG THANH TOÁN NỢ ĐẾN HẠN
Áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh đem lại cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cơ hội và điều kiện để tổ chức lại hoạt động kinh doanh giúp doanh nghiệp có thể thoát khỏi tình trạng lâm vào phá sản.
Hoạt động phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nợ đến hạn bao gồm những giai đoạn sau:
+ Xây dựng và thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Pháp luật phá sản yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nợ đến hạn phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh để những người có trách nhiệm xem xét trước khi trình lên để Hội nghị chủ nợ thông qua. Phương án này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các chủ nợ nên hội nghị chủ nợ chính là chủ thể có quyền thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và gửi cho thẩm phán, chủ nợ, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cho ý kiến.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã thì chủ nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lí, thanh lí tài sản gửi ý kiến cho doanh nghiệp, hợp tác xã để hoàn thiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Ngay sau khi nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh đã được doanh nghiệp hợp tác xã bổ sung hoàn thiện, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lí tài sản có nhiệm vụ báo cáo Thẩm phán. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, thẩm phán xem xét trước khi đưa phương án ra Hội nghị chủ nợ xem xét thông qua.
Nghị quyết của hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hồi hoạt động kinh doanh khi được quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65 % tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành và có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các chủ nợ. Trường hợp phương án phục hồi hoạt đông kinh doanh có sử dụng tài sản bảo đảm thì phải quy định rõ thời gian sử dụng tài sản có bảo đảm, phương án xử lí tài sản bảo đảm và phải được chủ nơ có bảo đảm bằng tài sản đó đồng ý. Trường hợp không tổ chức lại được Hội nghị chủ nợ hoặc Hội nghị chủ nợ không thông qua được nghị quyết về việc thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh thì tòa án tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
Sau khi phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã được Hội nghị chủ nợ thông qua theo quy trình, Thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận nghi quyết của Hội nghỉ chủ nợ để phương án phục hồi hoạt động kinh doanh đó đi vào triển khai trong thực tế. Nghi quyết này, khi được thông qua và công nhận sẽ có hiệu lực đối với tất cả người tham gia thủ tục phá sản có liên quan.
+ Về nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Nội dung của phương án phải nêu rõ các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh, các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ. Các biện pháp để phục vụ hoạt động kinh doanh bao gồm: huy động vốn, giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ, thay đổi mặt hàng sản xuất,...các biện pháp không trái với quy định pháp luật.
Thời hạn để thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh sẽ căn cứ thực hiện theo nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp nghị quyết của Hội nghị chủ nơ không xác định thời hạn thì thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là không quá 03 năm kể từ ngay Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
+ Về giám sát thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Để đảm bảo mục tiêu đặt ra trong kế hoạch phục vụ hoạt động kinh doanh được thực hiện hiệu quả, và doanh nghiệp, hợp tác xã không thể tùy tiện thực hiện được các hoạt động kinh doanh theo ý muốn chủ quan của mình thì trong giai đoạn tiến hành các hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã chịu sự giám sát của những người có trách nhiệm liên quan bao gồm: quan tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và chủ nợ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Luật phá sản 2014 thì 06 tháng một lần, doanh nghiệp, hợp tác xã phải lập báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của mình cho quan tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và họ có trách nhiệm báo cáo thẩm phán và thông báo cho chủ nợ. Quy định này giúp các chủ nợ có thể theo dõi được quá trình thực hiện và triển khai kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của con nợ.
+ Đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Đây là hoạt động được doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện trong thời hạn không quá 03 năm với mục đích thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán. Kết quả có thể là thành công hoặc thất bại. Dù thành công hay thất bại việc đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã cũng sẽ được thực hiện. Theo quy định, thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nếu thuộc một trong các trường hợp: doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp hợp tác xã vẫn mất khả năng thanh toán.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ với SJKLaw theo các phương thức sau:
Tư vấn trực tiếp: Văn phòng đại diện công ty Luật trách nhiệm hữu hạn SJKLaws, địa chỉ tại : Số 3 ngõ 115 Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Dịch vụ luật sư tư vấn qua số điện thoại tổng đài: 0962420468- 0933192699
Tư vấn qua email: nội dung yêu cầu tư vấn đến địa chỉ email: sjk.law@hotmail.com