HUY ĐỘNG VỐN TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN
Để đầu tư vào các dự án quy mô lớn, điều quan trọng đối với CTCP chính là việc công khai huy động vốn, mềm dẻo trong sử dụng vốn để có được những nguồn vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư. Qua bài viết, SJKLaw gửi tới bạn đọc một số vấn đề pháp lý xoay quanh việc huy động vốn trong công ty cổ phần.
Tất cả các công ty khi tham gia kinh doanh đều có nhu cầu về vốn, huy động vốn là quyền của mỗi công ty và thuộc phạm vi tự do kinh doanh của công ty theo quy định pháp luật. Và đương nhiên, việc huy động vốn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh là vấn đề tất yếu, quan trọng. Huy động vốn tức là trong quá trình hoạt động, kinh doanh cần thêm một khoản vốn để đáp ứng được nhu cầu kinh doanh đó, công ty phải huy động thêm vốn, vốn có thể huy động từ nội bộ công ty hoặc ngoài xã hội. Huy động vốn trong trường hợp này rất dễ nhầm lẫn với huy động vốn để thành lập công ty, huy động vốn khi thành lập được gọi là góp vốn. Việc huy động vốn sẽ làm phát sinh những vấn đề cần giải quyết như: rủi ro khi góp vốn, quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh từ việc huy động vốn,…
Tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức, tính chất hoạt động của từng loại hình doanh nghiệp mà mỗi loại hình sẽ có cách huy động vốn khác nhau. Để đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp cũng như đối tác khi tham gia đầu tư, từng loại hình doanh nghiệp được pháp luật quy định rất rõ về cách thức huy động vốn sao cho phù hợp. Với những đặc trưng riêng của mình, CTCP có hai cách để huy động vốn theo luật doanh nghiệp: CTCP được chào bán cổ phần và được vay vốn bằng phát hành trái phiếu.
Về huy động vốn để tăng vốn điều lệ
Vốn điều lệ của CTCP tại thời điểm đăng ký thành lập là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại được đăng ký mua và ghi vào Điều lệ công ty, cổ phần do công ty phát hành lần đầu là để tạo vốn điều lệ. Trong quá trình hoạt động và kinh doanh, để tăng vốn điều lệ công ty sẽ tiến hành bằng cách chào bán cổ phần. Tại khoản 1 Điều 123 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “1. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ.” Sau khi hoàn thành đợt bán cổ phần, trong thời hạn 10 ngày công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ (khoản 4 Điều 123).
Các hình thức chào bán cổ phần
Hình thức chào bán cổ phần được quy định tại khoản 2 Điều 122, theo đó:
Chào bán cho các cổ đông hiện hữu
Căn cứ theo khoản 1 Điều 124 luật doanh nghiệp 2020: “1. Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty.” Việc huy động này giúp làm tăng vốn điều lệ và không làm tăng số lượng cổ đông. Hình thức huy động vốn này được gọi là huy động vốn từ trong nội bộ công ty.
Việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu của CTCP không phải là công ty cổ phần đại chúng được thực hiện như sau:
- Công ty phải thông báo bằng văn bản đến cổ đông theo phương thức để bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của họ trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần;
- Thông báo phải gồm họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của cổ đông tại công ty; tổng số cổ phần dự kiến chào bán và số cổ phần cổ đông được quyền mua; giá chào bán cổ phần; thời hạn đăng ký mua; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty. Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành. Trường hợp phiếu đăng ký mua cổ phần không được gửi về công ty đúng hạn theo thông báo thì cổ đông đó coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua;
- Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác.
- Trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại cho cổ đông của công ty và người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác hoặc pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
- Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty.
- Sau khi cổ phần được thanh toán đầy đủ, công ty phát hành và giao cổ phiếu cho người mua
Chào bán cổ phần riêng lẻ
Đây là hình thức huy động vốn từ bên ngoài công ty và mang tính riêng lẻ, dành cho CTCP không phải là công ty đại chúng. CTCP không phải là công ty đại chúng thực hiện việc chào bán cổ phần như sau:
“1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chào bán cổ phần riêng lẻ, công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Kèm theo thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ phải có các tài liệu sau đây:
a) Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về chào bán cổ phần riêng lẻ;
b) Phương án chào bán cổ phần riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua (nếu có);
2. Thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp;
b) Tổng số cổ phần dự định chào bán; các loại cổ phần chào bán và số lượng cổ phần chào bán mỗi loại;
c) Thời điểm, hình thức chào bán cổ phần;
d) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;
3. Công ty có quyền bán cổ phần sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà không nhận được ý kiến phản đối của Cơ quan đăng ký kinh doanh;
4. Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần.”
Chào bán cổ phần ra công chúng
Đây là hình thức huy động vốn từ bên ngoài, hình thức này không những làm tăng vốn điều lệ công ty mà còn làm tăng số lượng cổ đông của công ty. Chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty đại chúng và tổ chức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Với tính chất đặc biệt của hình thức này, cần những quy định đặc thù của luật chứng khoán điều chỉnh.
Huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu
Trái phiếu là một loại chứng khoán, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh nên CTCP phát hành để vay tiền. Khi công ty thực hiện hành vi phát hành trái phiếu, người nào mua trái phiếu sẽ trở thành trái chủ, và công ty sẽ trở thành thụ trái. Có rất nhiều loại trái phiếu, CTCP có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty. Hình thức này giúp cho khả năng huy động vốn của CTCP là vô cùng lớn, tạo thuận lợi về mặt tài chính nhưng cũng gặp không ít rủi ro. Việc phát hành trái phiếu không đươc thực hiện một cách tùy tiện, CTCP cần lưu ý về điều kiện phát hành, trình tự, thủ tục phát hành trái phiếu chuyển đổi,…
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ tới chúng tôi theo phương thức sau:
Tư vấn trực tiếp: Văn phòng giao dịch công ty Luật trách nhiệm hữu hạn SJKLaw, địa chỉ tại : Số 3 ngõ 115 Nguyễn Khang, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Dịch vụ luật sư tư vấn qua số điện thoại tổng đài: 0962420468- 0933192699
Tư vấn qua email: nội dung yêu cầu tư vấn đến địa chỉ email: sjk.law@hotmail.com