CÁC PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG
  • 13/042023
  • Trợ lý Luật sư Phạm Hồng

CÁC PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG

Quan hệ hợp đồng gắn kết với các lợi ích, vì vậy cũng dễ phát sinh tranh chấp khi có xung đột về lợi ích. Sự xung đột này thường xuất hiện do hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các cam kết trong hợp đồng. Khi có tranh chấp các bên thường tìm đến các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau để giải tỏa xung đột, bất đồng, mâu thuẫn về lợi ích, tạo lập lại sự cân bằng mà các bên có thể chấp nhận được. Có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp. Thực tiễn và khoa học pháp lý ghi nhận bốn phương thức giải quyết tranh chấp sau: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án.

1. Phương thức Thương lượng

Thương lượng là việc các bên tranh chấp tự thỏa thuận với nhau để lựa chọn giải pháp chấm dứt xung đột đã phát sinh giữa họ. Thương lượng thể hiện quyền tự do thỏa thuận và tự do định đoạt của các bên. Phần lớn các điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng các bên đều quy định việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng khi có sự vi phạm hợp đồng. Bên cạnh đó, Điều 329 Luật Thương mại có quy định:"Tranh chấp thương mại trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên". Tuy nhiên, đây được hiểu là điều luật mang tính tùy nghi, không được hiểu là một quy định bắt buộc.

Lợi thế

- Giải quyết tranh chấp nhanh chóng, chi phí thấp

- Duy trì được quan hệ hợp tác

- Không bị lộ bí mật kinh doanh, không ảnh hưởng uy tín các bên

Hạn chế

- Phương án thoả thuận mà các bên đạt được không mang tính cưỡng chế thi hành

- Một bên không thiện chí dễ lợi dụng thương lượng để trì hoãn hoặc trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ

Điều kiện áp dụng thương lượng

- Thường áp dụng trong giai đoạn đầu của quá trình giải quyết tranh chấp
- Áp dụng cho tranh chấp có các sự kiện liên quan đến tranh chấp tương đối rõ ràng
- Các bên có thái độ thiện chí
- Các bên hiểu rõ được vị trí của mình trong tranh chấp

2. Phương thức hòa giải

Hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp xuất hiện sớm nhất trong lịch sử xã hội loài người trên nhiều lãnh vực, chứ không riêng đặc trưng gì với tranh chấp Hợp đồng. Hòa giải là các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất một phương án giải quyết bất đồng giữa họ và tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận qua hòa giải.

Lợi thế của phương thức hòa giải

- Là phương thức giải quyết tranh chấp đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém.

- Các bên hòa giải thành thì không có kẻ thắng người thua nên không gây ra tình trạng đối đầu giữa các bên, vì vậy duy trì được quan hệ hợp tác vẫn có giữa các bên.

- Các bên dễ dàng kiểm soát được việc cung cấp chứng từ và sử dụng chứng từ đó giữ được các bí quyết kinh doanh và uy tín của các bên.

- Hòa giải xuất phát từ sự tự nguyện có điều kiện của các bên, nên khi đạt được phương án hòa giải, các bên thường nghiêm túc thực hiện.

Hạn chế của phương thức hòa giải

- Nếu hoà giải bất thành, thì lợi thế về chi phí thấp trở thành gánh nặng bổ sung cho các bên tranh chấp.

- Người thiếu thiện chí sẽ lợi dụng thủ tục hòa giải để trì hoản việc thực hiện nghĩa vụ của mình và có thể đưa đến hậu quả là bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc trọng tài vì hết thời hạn khởi kiện.

Các hình thức hòa giải:

- Tự hòa giải: là do các bên tranh chấp tự bàn bạc để đi đến thống nhất phương án giải quyết tranh chấp mà không cần tới sự tác động hay giúp đỡ của đệ tam nhân.

- Hòa giải qua trung gian: là việc các bên tranh chấp tiến hành hòa giải với nhau dưới sự hổ trợ, giúp đỡ của người thứ ba (người trung gian hòa giải). Trung gian hòa giải có thể là cá nhân, tổ chức hay Tòa án do các bên tranh chấp chọn lựa hoặc do pháp luật qui định.

- Hòa giải ngoài thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được các bên tiến hành trước khi dưa đơn khởi kiện ra Tòa án hay trọng tài.

- Hòa giải trong thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được tiến hành tại Tòa án, trong tài khi các cơ quan này tiến hành giải quyết tranh chấp theo đơn kiện của một bên (hòa giải dưới sự trợ giúp của Tòa án hay trọng tài). Tòa án, trong tài sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên và quyết định này có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.

3. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

Các bên thỏa thuận đưa ra những tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết tại Trọng tài và Trọng tài sau khi xem xét sự việc tranh chấp, sẽ đưa ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.

Các văn bản pháp luật liên quan đến việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài:

• Công ước Liên hợp quốc 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài

• Luật mẫu về trọng tài Thương mại quốc tế

• Qui tắc tố tụng trọng tài UNCITRAL 1976

• Qui tắc tố tụng trọng tài của Phòng TMQT (1/1/1998)

• Pháp lệnh Trọng tài thương mại Việt nam 2003

• Nghị quyết số 05/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (1/7/2003)

• Nghị định 25/2004/NĐ-CP của Chính phủ qui định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Trọng tài TM

• Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế bên cạnh phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Lợi thế và hạn chế của phương thức giải quyết bằng trọng tài

Lợi thế

- Giải quyết tranh chấp nhanh chóng, chính xác

- Ít ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh, uy tín các bên

- Phán quyết mang tính cưỡng chế thi hành

- Quyết định của Trọng tài là quyết định chung thẩm

- Không đại diện cho quyền lực tư pháp của Nhà nước nên rất thích hợp để giải quyết các ranh chấp có yếu tố nước ngoài

Hạn chế

- Chi phí thường cao

- Tính cưỡng chế thi hành các quyết định trọng tài không cao (vì Trọng tài không đại diện cho quyền lực tư pháp của nhà nước).

Thỏa thuận trọng tài vô hiệu nếu:

- Tranh chấp phát sinh không thuộc hoạt động thương mại

- Người ký thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật

- Một bên ký thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

- Thỏa thuận trọng tài không qui định hoặc qui định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thỏa thuận bổ sung

- Thỏa thuận trọng tài không được lập theo qui định của pháp luật

- Bên ký kết thỏa thuận trọng tài bị lừa dối, đe dọa và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thời hiệu: 6 tháng và trước khi HĐTT mở phiên họp GQTC.

4. Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án

Khi tranh chấp Hợp đồng phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được giải quyết tại Tòa án. Tùy theo tính chất của Hợp đồng là kinh tế hay dân sự mà các tranh chấp phát sinh có thể được Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế hay thủ tục tố tụng dân sự.

Các lợi thế của việc giải quyết tranh chấp Hợp đồng qua Tòa án:

- Các quyết định của Tòa án (đại diện cho quyền lực tư pháp của nhà nước) có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên.

- Với nguyên tắc 2 cấp xét xử, những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp có khả năng được phát hiện khắc phục.

- Với điều kiện thực tế tại Việt Nam, thì án phí Tòa án lại thấp hơn lệ phí trọng tài.

Các mặt hạn chế của việc giải quyết tranh chấp Hợp đồng qua Tòa án:

- Thời gian giải quyết tranh chấp thường kéo dài (vì thủ tục tố tụng Tòa án quá chặt chẽ).

- Khả năng tác động của các bên trong quá trình tố tụng rất hạn chế.

 

Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW

Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Website:https://sjklaw.vn/

Email: sjk.law@hotmail.com

Hotline: 1900636292.

Tags : Doanh nghiệp, Pháp luật doanh nghiệp, Sjklaw, tranh chấp hợp đồng
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: