CÁC NGUYÊN TẮC VÀ CHÍNH SÁCH CỦA LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM
  • 18/022023
  • Trợ lý Luật sư Cao Vân

CÁC NGUYÊN TẮC VÀ CHÍNH SÁCH CỦA LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM

Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận một loạt các nguyên tắc của pháp luật dân sự, trong đó có những nguyên tắc đã được xác định ở các văn bản pháp luật trước đó, có những nguyên tắc lần đầu tiên được ghi nhận. Nhóm các nguyên tắc cơ bản, đặc trưng, thể hiện nguyên lý của lĩnh vực dân sự bao gồm:

1. Nguyên tắc bình đẳng

Trong quan hệ dân sự (theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015), các chủ thể đều bình đẳng, không được lấy bất cứ lí do nào về sự khác biệt để đối xử không bình đẳng. Các chủ thể bình đẳng về năng lực pháp luật, bình đang giữa các hình thức sở hữu khi giao kết hợp đồng dân sự; bình đẳng về để lại và hưởng di sản thừa kế. Bình đẳng của các chủ thể được thể hiện ở các điểm sau:

- Bình đẳng trong việc tham gia vào các quan hệ dân sự không phụ thuộc vào giới tính và các địa vị xã hội khác;

- Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ khi chúng được xác lập. Các bên phải thực hiện nghĩa vụ đối với những người có quyền;

- Bình đẳng về trách nhiệm dân sự. Nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ đều phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận:

“Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đổi xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”.

Nền tảng cho sự bình đẳng này được lấy từ gốc Hiến pháp - luật gốc cho mọi luật tại Việt Nam. Tại Hiến pháp năm 2013, các quyền tự do, bình đắng về nhân thân và tài sản đều được ghi nhận, khẳng định và coi đó là quyền cơ bản của công dân.

Bình đẳng chỉ được đặt ra khi xây dựng pháp luật nên được coi là một “khái niệm chính trị - pháp lý”. Theo đó, bản chất bình đẳng trong quan hệ dân sự phải là sự ngang nhau về “quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong xác lập, thực hiện quan hệ dân sự”. Với nguyên tắc này nhấn mạnh các nội dung:

Trước hết, mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử. Điều này phải được hiểu, các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân với các điều kiện như nhau thì sẽ được nhà nước ứng xử ngang nhau, ứng xử ngang nhau chính là các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể trong các tình huống, điều kiện giống nhau sẽ được áp dụng giống nhau. Tuy nhiên, phải phân biệt rất rõ, nếu cá nhân là người mới sinh ra thậm chí chưa có năng lực hành vi dân sự thì đương nhiên không thể có quyền, nghĩa vụ giống y hệt với người đã thành niên. Do đó, mấu chốt của nguyên tắc là từng chủ thể với điều kiện như nhau thì năng lực pháp luật sẽ được Nhà nước ghi nhận như nhau.

Tiếp theo, pháp luật ghi nhận sự bình đẳng giữa các chủ thể dưới góc độ bảo hộ để thực hiện các quyền nhân thân, tài sản của các chủ thể như nhau. Nhà nước khi quy định năng lực pháp luật cho các chủ thể như nhau là như nhau thì khi thực hiện, Nhà nước cũng bảo hộ như nhau.

Bảo hộ được hiểu, Nhà nước đảm bảo cho quyền của các bên được thực hiện trong thực tiễn. Các chủ thể có quyền lựa chọn giữa thực hiện và không thực hiện quyền của mình. Đó là sự tự do ý chí của từng chủ thể. Nhưng nếu chủ thể thực hiện quyền của mình, Nhà nước sẽ ghi nhận và đảm bảo không cho bất kỳ chủ thể nào được ngăn cản, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền của từng chủ thể. Tương ứng, các chủ thể khi có nghĩa vụ, Nhà nước đều yêu cầu tất cả các chủ thể phải thực hiện và nếu không thực hiện thì đương nhiên phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý nhất định. Không có sự phân biệt nào nếu trong điều kiện như nhau, hành vi vi phạm như nhau mà lại không phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý như nhau.

2. Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận

Các bên tham gia quan hệ dân sự có quyền tự do cam kết, thoả thuận phù hợp với pháp luật trong việc xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự (khoản 2, Điều3 Bộ luật dân năm 2015). Mọi cam kết và thoả thuận hợp pháp được pháp luật bảo hộ. Ví dụ: Trong hợp đồng, các bên có thoả thuận về các phương thức thực hiện nghĩa vụ, các thoả thuận đó cố giá trị pháp lí đối với các bên tham gia hợp đồng.

Khi cam kết, thoả thuận, các bên hoàn toàn tự nguyện, không được ai dùng bất cứ thủ đoạn nào nhằm buộc một người cam kết, thoả thuận trái với ý chí của người đó. Mọi cam kết, thoả thuận không có sự tự nguyện của các bên có thể bị tuyên bố là vô hiệu. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Nguyên tắc này được ghi nhận:

“Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận. Mọi cam kết, thoả thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng” (khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Với nguyên tắc này, các nội dung cơ bản bao gồm:

Thứ nhất, cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận là các nền tảng để các cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Tự do được hiểu là làm những gì mình thích, theo mong muốn của mình. Tự nguyện được hiểu là không bị bất kỳ ai áp đặt ý chí của họ lên ý chí của mình. Nói một cách khác, những gì chủ thể thực hiện hoàn toàn dựa trên mong muốn và thống nhất với mong muốn bên trong của chủ thể đó. vế đầu tiên của nguyên tắc thể hiện nền tảng để các chủ thể tham gia xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền của mình hoàn toàn dựa trên ý chí, mong muốn của bản thân, không bị bất kỳ ai bao gồm cả Nhà nước ép buộc, áp đặt ý chí.

Thứ hai, nguyên tắc nhấn mạnh vế thứ hai của sự tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận ở chỗ: nếu cam kết, thoả thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì sẽ có hiệu lực pháp luật đối với các bên và các chủ thể còn lại đều phải tôn trọng. Như vậy, nếu cam kết, thoả thuận đó vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì đương nhiên sẽ không hợp pháp, không có hiệu lực pháp luật và các chủ thể cố tình thực hiện thì sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý mang tính bất lợi.

Như vậy có thể khẳng định, sự tự do của các chủ thể trong khuôn khổ nhất định. Sự tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của cộng đồng, quyền và lợi ích họp pháp của các chủ thể trong xã hội sẽ được đặt lên trước hết, trên cả sự tự do, tự nguyện của mỗi chủ thể. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi mỗi chủ thể cũng chỉ là một cá thể trong xã hội nên nếu đảm bảo sự ổn định xã hội thì buộc xã hội đó phải ổn định, tồn tại và vận động theo một trật tự nhất định. Nếu quyền, lợi ích của mỗi chủ thể đều được đặt cao hơn tất cả các quyền, lợi ích nêu trên thì chắc xã hội mất thế cân bằng và đương nhiên sẽ không còn sự ổn định. Các hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của cộng đồng, quyền và lợi ích họp pháp của các chủ thể trong xã hội được coi là các hành vi bị cấm, thậm chí trái đạo đức xã hội, Nhà nước không cho phép thực hiện.

3. Nguyên tắc thiện chí, trung thực

Trong quan hệ dân sự, các bên phải hợp tác, giúp đỡ nhau để tạo lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự. Mỗi bên không chỉ quan tâm đến quyền và lợi ích của mình mà còn phải quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, của Nhà nước và xã hội. Ngoài ra đòi hỏi các bên phải tìm mọi biện pháp cần thiết để khắc phục và hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, trong quan hệ dân sự các bên được suy đoán là trung thực, thiện chí. Nêu một bên cho rằng bên kia không trung thực, thiện chí phải có chứng cứ (khoản 3 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015).

Thiện chí được hiểu là sự thân thiện, mong muốn được thực hiện hoàn thành, thực hiện hoàn toàn tự nguyện. Trung thực được hiểu là tôn trọng khách quan, tôn trọng những điều thực tế, không tạo dựng các thông tin hoặc các yếu tố gây bất lợi trong quá trình thực hiện các giao dịch dân sự. Trong quan hệ pháp luật dân sự, sẽ có nhiều quan hệ mà nghĩa vụ của người này tương ứng với quyền của người khác, thế nên, chỉ cần bên có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, đúng thì sẽ đảm bảo lợi ích cho bên có quyền. Chính vì thế, quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, chỉ cần mỗi chủ thể luôn nỗ lực thực hiện tốt nhất bằng hành vi của mình để đem lại lợi ích tối đa cho bên mang quyền đã tạo nên sự lý tưởng trong quan hệ dân sự.

Nguyên tắc thiện chí, trung thực không phải là một nguyên tắc mới mà được ghi nhận trong pháp luật dân sự từ lâu. Nguyên tắc này hoàn toàn tương thích với nguyên tắc bình đẳng của các chủ thể bởi khi các chủ thể có địa vị pháp lý ngang nhau thì đương nhiên, sự thiện chí, trung thực của mỗi chủ thể sẽ góp phần tạo nên hiệu quả trong việc thực hiện nghĩa vụ của mỗi bên.

 

4. Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác

“Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” (khoản 4 Điều 3 BLDS).

Việc xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự nhằm thoả mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của các chủ thể tham gia vào các quan hệ đó. Tuy nhiên, việc thực hiện các hành vi dân sự không thể tiến hành tuỳ tiện mà phải thực hiện trong một khuôn khổ, giới hạn nhất định. Quyền của một chủ thể bị giới hạn bởi quyền của các chủ thể khác, lợi ích của quốc gia, lợi ích công cộng. Khi các chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự của mình mà gây thiệt hại cho các chủ thể khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ thể bị hại đó.

Lợi ích quốc gia, dân tộc là một khái niệm có nội hàm rất rộng, bao hàm trong đó:

“Tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia dân tộc có chủ quyền, thống nhất, độc lập, lãnh thổ toàn vẹn; phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn; cho sự nâng cao không ngừng sức mạnh tổng hợp của quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế, vị trí, vai trò, uy tín quốc tế của quốc gia dân tộc. Các dân tộc trên thế giới đều coi lợi ích căn bản nhất của dân tộc là Tổ quốc độc lập, thong nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn (bao gồm vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa), nhân dân làm chủ đối với Tổ quốc của mình”.

Lợi ích quốc gia dân tộc có thể là những nhân tố thuộc về tự nhiên được cộng đồng sở hữu như đất đai, sông hồ, biển đảo, tài nguyên thiên nhiên, có thể là những điều kiện xã hội, truyền thống của dân tộc... Lợi ích dân tộc cũng tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể mà có sự quan niệm khác nhau. Tuy nhiên, lợi ích dân tộc mà chính đáng, chân chính thì sẽ luôn bổ trợ cho nhau và giúp cho việc bảo vệ lợi ích này thêm vững chắc.

Lợi ích công cộng thường được hiểu là những lợi ích chung dành cho mọi người trong xã hội. Những lợi ích này dành cho nhiều người cùng hưởng và không có sự phân biệt giữa những người hưởng với nhau, tức là những người được hưởng lợi ích công cộng như nhau và theo nhu cầu của chính mỗi chủ thể đó.

Quyền, lợi ích hợp pháp của người khác được hiểu là những lợi ích, những xử sự mà pháp luật ghi nhận và cho phép chủ thể đó thực hiện.

Như vậy, với nguyên tắc này phải hiểu đây là giới hạn mà nhà làm luật đặt ra cho các chủ thể đối với sự tự do của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Các chủ thể hoàn toàn có quyền tự do nhung phải là tự do trong khuôn khổ vì phải đảm bảo lợi ích, sự bảo toàn, sự phát triển cho dân tộc, lợi ích của đám đông và những lợi ích, quyền hợp pháp của các chủ thể khác. Chỉ cần không xâm phạm giới hạn này thì đương nhiên, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được bảo vệ và bảo hộ thực hiện trong thực tiễn.

 

5. Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự

Trách nhiệm dân sự là loại trách nhiệm pháp lí nhưng trước tiên là trách nhiệm của người vi phạm đối với người bị vi phạm. Người có nghĩa vụ phải thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của họ nếu các quyền và nghĩa vụ đó phát sinh từ các căn cứ họp pháp. Neu không thực hiện phải tự chịu trách nhiệm và có thể bị cưỡng chế thi hành nghĩa vụ và phải bồi thường thiệt hại (nếu có). Mỗi chủ thể tham gia phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình (khoản 5 Điều 3 BLDS).

Khi thực hiện các quyền của mình, về cơ bản các chủ thể ý thức được việc phải thực hiện nghiêm túc, đúng phần nghĩa vụ của mình vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ thể có thể do lỗi vô ý hoặc cố ý dẫn đến không thực hiện đúng hoặc không thực hiện được các nghĩa vụ của mình dẫn đến những hệ quả nhất định mang tính bất lợi. Vì quan hệ dân sự là quan hệ của sự bình đẳng về địa vị pháp lý, của sự tự do, tự nguyện nên đương nhiên, khi gây thiệt hại cho người khác, khi làm cho người khác bị ảnh hưởng không tích cực bởi hành vi của mình, chủ thể trong quan hệ dân sự phải chịu trách nhiệm. Như vậy, trách nhiệm dân sự được hiểu là dạng trách nhiệm pháp lý mang tính bất lợi cho một chủ thể sau khi chủ thể đó thực hiện nghĩa vụ của mình không đúng hoặc không thực hiện.

Khi quy định nguyên tắc tự chịu trách nhiệm thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước về việc, khi quan tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, những lợi ích hợp pháp thì các chủ thể được hưởng nhưng những hậu quả bất lợi do hành vi không hợp pháp của mình gây ra thì chủ thể vẫn phải tự chịu trách nhiệm.

6. Chính sách tôn trọng đạo đức, truyền thong tốt đẹp của dân tộc

Theo (khoản 1 Điều 7 BLDS năm 2015) về nguyên tắc, chính sách của Nhà nước không phải là nguyên tắc của pháp luật dân sự nhưng có ảnh hưởng lớn đến các nguyên tắc của pháp luật dân sự. Đặc biệt khi áp dụng pháp luật dân sự để giải quyết các tranh chấp (khoản 2 Điều 7 BLDS).

Khi xác lập, thực hiện các quyền dân sự các chủ thể phải tôn trọng truyền thông tốt đẹp, phong tục tập quán của nhân dân...

Phong tục, tập quán, đạo đức và truyền thống tốt đẹp của nhân dân là cơ sở xã hội của pháp luật dân sự. Một nền pháp luật chỉ tồn tại và bền vững khi phù hợp với đạo đửc và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự cũng phải dựa trên nền tảng của đạo đức và truyền thống đó trên tinh thần tương thân, tương ái, “mình vì mọi người, mọi người vì mình” nhằm tạo điều kiện cho những người, những cộng đồng chưa có những điều kiện thực tế có thể thực hiện được các quyền và nghĩa vụ dân sự của họ.

 

7. Chính sách khuyến khích hoà giải

Trong quan hệ dân sự, việc hoà giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích. Không ai được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực khi tham gia quan hệ dân sự, giải quyết các tranh chấp dân sự.

Các nguyên tắc được quy định tại Chương I - Phần thứ nhất của BLDS là một hệ thống chỉnh thể. Bởi vậy, phải xem xét nó như một thể thống nhất khi áp dụng pháp luật, giải thích pháp luật.

Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc để được sử dụng dịch vụ Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH SJKLAW

Địa chỉ: Số 3, ngõ 115 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Website:https://sjklaw.vn/

Email: sjk.law@hotmail.com

Hotline: 1900636292.

Tags : Bộ luật dân sự 2015
popup

Số lượng:

Tổng tiền: