Trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn.
Tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, cho thấy sự mất ổn định, thiếu bền vững của các gia đình Việt Nam hiện nay.
Năm 2022, góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Hà Thị Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhận thấy, bạo lực gia đình là nguyên nhân chính của trên 76% số vụ ly hôn trong 10 năm qua, đặc biệt trong hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19.
Số vụ việc bạo lực gia đình có xu hướng tăng lên với mức độ nghiêm trọng hơn và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến một số vụ án mạng xảy ra trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn.
Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày.
Thực tế, thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%. Tất cả những khủng hoảng kể trên đều dẫn đến kết cục ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do dẫn đến ly hôn, nhưng chủ yếu tập trung vào 2 nguyên nhân chính:
Một là, phần lớn và sâu xa dẫn tới tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ là do họ thiếu kỹ năng sống. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình, quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm đến chồng hoặc vợ, khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng đầu, năm đầu của cuộc hôn nhân.
Hai là, do kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, không tập trung đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái.
Trên thực tế, nhiều cặp đôi đồng thuận ly hôn không có tài sản chung.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như: do tư tưởng lạc hậu; vấn đề về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; vợ chồng bất hòa, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn...
Chia sẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề “Thực trạng hôn nhân ở Việt Nam và thế giới: Nguyên nhân tỷ lệ ly hôn ở gia đình trẻ tăng cao?” do Trung ương Đoàn tổ chức, TS Nguyễn Duy Nhiên cho rằng, thực trạng ly hôn ở Việt Nam hiện nay đang gia tăng và đáng báo động. Ông lấy ví dụ: “Có thể các bạn trẻ đang đơn giản hóa việc hôn nhân, đơn giản hóa trong việc kết hôn sẽ dẫn đến đơn giản trong việc ly hôn. Các bạn trẻ ngày nay gặp nhau trong một buổi đi chơi, cảm mến nhau… nhận định đó là định mệnh của đời mình sẽ đi đến quyết định kết hôn rất nhanh".
Theo thống kê của Data.ai, trong năm 2021, người trẻ Việt Nam thuộc nhóm 4 quốc gia Đông Nam Á chi nhiều nhất cho Tinder - một ứng dụng hẹn hò ghép đôi nổi tiếng. 65% người Việt Nam tham gia khảo sát thừa nhận đang sử dụng ít nhất một ứng dụng hẹn hò.
Theo Báo Lao động