Tinh vi thủ đoạn môi giới mua bán nội tạng người
  • 09/012023
  • Trợ lý Luật sư Cao Vân

Tinh vi thủ đoạn môi giới mua bán nội tạng người

Mua bán nội tạng cơ thể người là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm vì nó không chỉ trực tiếp tác động đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn kéo theo nhiều hệ lụy.

 

Đối tượng Trần Văn Hiệp trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội đã cấu kết với một số đối tượng khác tổ chức môi giới mua bán gan, thận. Cho đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã tổ chức chót lọt 4 cặp ghép thận và 1 cặp ghép gan.

Theo nhận định của lực lượng chức năng, để thực hiện chót lọt hành vi này, ngoài việc lân la, tiếp cận trực tiếp người có nhu cầu ở các bệnh viện, thì các đối tượng còn dùng mạng xã hội để tiếp cận người mua và người bán.

Thượng tá Ngô Xuân Ý (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết: "Đối tượng môi giới sẽ mời họ về Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh để làm xét nghiệm tế bào, xét nghiệm máu đặc biệt là chỉ số HNA. Sau khi có chỉ số HNA, các đối tượng sẽ liên hệ chéo với người mua và người bán để ghép các cặp. Các đối tượng đã hợp thức hóa và nhiều trường hợp các đối tượng đã làm giả hồ sơ để hợp thức hóa giữa người mua và người bán theo kiểu hai bên có quan hệ họ hàng huyết thống hoặc là tự nguyện cấy ghép không vì mục đích thương mại".

Kết quả giám định cho thấy, những người bán mô, bộ phận cơ thể đều bị tổn hại sức khỏe ít nhất từ 45 - 70%.

Nhiều trường hợp tử vong do biến chứng hoặc nhiễm trùng trong quá trình xét nghiệm và phẫu thuật.

Nhiều người chỉ vì túng quẫn trong một thời điểm mà đã phải trả giá quá đắt bằng chính sức khỏe hoặc tính mạng của bản thân.

PGS. TS Hà Thị Hồng Lan (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết: "Bản thân những người có nhu cầu mua bán nội tạng người chưa nắm rõ được quy trình, quy định của việc mua bán nội tạng. Họ cũng chưa có cơ hội tiếp cận với các cơ quan trực tiếp quản lý về vấn đề này, chính vì thế họ thường tìm đến các dịch vụ chui. Và vì là dịch vụ chui nên các đối tượng sẽ đưa ra một quy trình không chính thống, không đầy đủ và thậm chí là không đảm bảo an toàn".

Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã triệt phá 3 vụ, bắt giữ 7 đối tượng có hành vi môi giới vi mua bán nội tạng cơ thể người.

Theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán bộ phận cơ thể người, mức xử phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Vậy cùng với chế tài xử phạt nêu trên, giải pháp nào để có thể ngăn chặn loại tội phạm này?

Ngăn chặn hành vi mua bán nội tạng người

Hiện nay, một số bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng mạng lưới điều phối về hiến ghép thận nhân đạo bằng phần mềm công nghệ thông tin nhằm tạo sự công khai, minh bạch trong tiếp nhận, quản lý, điều phối, hiến, ghép tạng. Tuy nhiên để ngăn chặn hành vi mua bán nội tạng người, điều quan trọng vẫn là mỗi người dân cần nhìn nhận sâu sắc hơn và tuân thủ các quy định của pháp luật về vấn đề ghép tạng.

Theo Thượng tá Ngô Xuân Ý (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an): "Ngành ý tế cần tuyên truyền,giáo dục đạo đức nghề nghiệp, trong đó có kỹ năng phát hiện và xử lý đối tượng đối với cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và cơ quan công an trong việc trao đổi thông tin trong việc phát hiện và xử lý dứt điểm sự việc có dấu hiệu mua bán nội tạng cơ thể người. Đối với lực lượng công an cũng cần tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng được mạng lưới cộng tác viên trong các bệnh viện để phát hiện kịp thời các vụ việc có dấu hiệu mua bán bộ phận cơ thể người".

Theo PGS. TS Hà Thị Hồng Lan (Học viện Cảnh sát nhân dân): "Chúng ta cũng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân để họ nâng cao nhận thức về hoạt đông hiến tạng và hiểu rằng đây là nghĩa cử cao đẹp, để họ từ bỏ suy nghĩ theo truyền thống lâu này là người chết phải toàn thây. Vì với suy nghĩ như vậy nên khi có đề xuất hiến tạng là họ thường không đồng ý. Giải quyết được vấn đề tư tưởng cho thân nhân của những người không may bị chết thì chúng ta sẽ có được cái nguồn cung của vấn đề nội tạng để giải quyết được cán cân cung cầu hiện nay".

Hoạt động cấy ghép tạng được coi là hợp pháp, nhân đạo khi tuân thủ theo các quy định tại Điều 4 Luật hiến lấy ghép mô bộ phận cơ thể người. Đó là hoàn toàn tự nguyện, hoàn toàn vì mục đích nhân đạo chữa bệnh, cứu sống người bệnh, phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy, tuyệt đối không vì mục đích thương mại trục lợi.

Tags : Sjklaw, Tin tức
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: