• 07/092022
  • Trợ lý lý Luật sư Thu Hoài

"Tiền ảo - nơi lý tưởng để tội phạm rửa tiền"

"Tiền ảo là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu, đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền"- đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước nói.

Chiều 7/9, trình bày báo cáo tóm tắt dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo đã tách Điều 26 về báo cáo giao dịch đáng ngờ thành 7 điều cụ thể tương ứng với khái niệm giao dịch đáng ngờ và dấu hiệu giao dịch đáng ngờ trong từng lĩnh vực cụ thể.

Tuy nhiên, khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ, như: "Tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường"; "khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền"; "khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn", "thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch"…

Tiền ảo - nơi lý tưởng để tội phạm rửa tiền - 1

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (Ảnh: QH).

"Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lượng hóa các chỉ tiêu, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy định tại các điều này để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Có ý kiến đề nghị cần xem xét việc chỉ thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các dấu hiệu đáng ngờ trong khi đối tượng báo cáo thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và trách nhiệm phòng, chống rửa tiền cũng đã được quy định đối với các Bộ, ngành chủ quản"- ông Thanh cho hay.

Đề xuất bắt buộc giao dịch qua ngân hàng với một số mua, bán

Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, tại điều, khoản về biện pháp trì hoãn giao dịch, dự thảo này đã thiết kế khá rõ ràng 2 trường hợp đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch, gồm: Khi nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội; Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu, quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản của họ được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015.

"Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, nhất là đối với trường hợp trì hoãn giao dịch khi mới nghi ngờ, đồng thời cần quy định cụ thể ngay trong luật mà không quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành về trường hợp nào áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch cũng như chủ thể nào có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các quy định"- ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm hơn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các dữ liệu để phát hiện các giao dịch đáng ngờ và dấu hiệu tội phạm.

Nghiên cứu việc bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua, bán, cho thuê bất động sản, đổi tiền, mua, bán sáp nhập doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý về câu chữ kỹ thuật để hoàn thiện dự thảo luật.

Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn

Đại biểu Dương Văn Phước (tỉnh Quảng Nam) đặc biệt quan tâm tới vấn đề lợi dụng tiền ảo để rửa tiền tài trợ khủng bố. Theo ông, hiện nay Nhà nước chưa công nhận tiền ảo nhưng hiện nay Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn, là một trong 10 nước tham gia đông.

"Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền"-ông Phước nói.

Ông dẫn chứng thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.

Tiền ảo - nơi lý tưởng để tội phạm rửa tiền - 2

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Ảnh: QH).

"Việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố"- ông nói.

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt giữa Ngân hàng Nhà nước với TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng để phòng, chống rửa tiền. Trường hợp cần thiết các cơ quan chức năng thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hạ chuẩn giá trị giao dịch để phục vụ công tác điều tra.

"Xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần, liên tục. Quy định cụ thể số tiền giao dịch phải báo cáo phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Trường hợp các tổ chức và cá nhân không tuân thủ theo những hướng dẫn của luật và quy định về phòng, chống rửa tiền sẽ bị chế tài nghiêm khắc về mặt dân sự, thậm chí hình sự"- đại biểu đề xuất.

Giải đáp thắc của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết trước đây cơ quan này và các bộ ngành liên quan đã đưa "tiền ảo" vào dự thảo luật. Tuy nhiên qua rà soát các quy định của pháp luật hiện nay thì thấy chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý, cấp phép. Vì vậy, các bộ ngành đã có ý kiến đề xuất giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

Tags : Sjklaw, Tin tức
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: