Thuốc giả nhãn mác, sự ưu ái doanh nghiệp vụ ông Trương Quốc Cường bị xét xử
Sáng nay (17/5), phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo khác liên quan đến vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada tiếp tục với phần tranh luận.
Đối đáp lại phần bào chữa của luật sư, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng, không hề kết luận các thuốc trong vụ án là giả về chất lượng, mà chỉ kết luận đây là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và giả nhãn mác Health 2000.
Theo đại diện VKS, thực tế Health 2000 không sản xuất thuốc, Công ty Helix của Raymundo cũng không sản xuất thuốc nhưng lại có thuốc giả của hai công ty này. Do đó, VKS kết luận đây là thuốc không rõ nguồn gốc.
Trong vụ án này, 4 loại thuốc bị làm giả đều không thu được mẫu, nên không giám định được về chất lượng. Chính vì thế cáo trạng không hề kết luận các thuốc trên giả về chất lượng.
Trước đó, trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch, TGĐ VN Pharma), luật sư đưa ra quan điểm, thuốc của VN Pharma có thành phần, tính chất "như thuốc thật" nên ông Hùng chỉ vi phạm luật quản lý thị trường.
Ở đây, cơ quan công tố mới chỉ nêu vi phạm về nhãn hiệu hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ hàng hoá mà chưa đề cập đến chất lượng của hàng giả đó ra sao và hậu quả là gì?
Trong phần đối đáp của mình, đại diện VKS bác quan điểm của luật sư bào chữa cho rằng bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) thực hiện hành vi phạm tội không phải với lỗi cố ý, không phải động cơ vụ lợi.
Theo đại diện VKS, khi thẩm định hồ sơ lần đầu, bà Thủy và các chuyên gia khác đều có chung quan điểm, hồ sơ 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin có nhiều lỗi và không đủ điều kiện cấp phép đăng ký thuốc.
Tại tòa, bị cáo Thủy đã xác nhận việc ban đầu bị cáo không đồng ý cấp phép đăng ký thuốc cho hai loại thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin là đúng và là ý chí của bị cáo.
“Đúng ở đây là đúng với các quy định của pháp luật và các quy định của Cục quản lý dược, Bộ Y tế”, lời đại diện VKS.
Đại diện VKS cho rằng, sau đó bị cáo Thủy xem lại hồ sơ và đã xóa ý kiến “không cấp phép đăng ký thuốc” của chính bị cáo và dùng bút xóa xóa ô “không cấp”, rồi tích vào ô “cho bổ sung hồ sơ”.
Sau đó bị cáo không thông tin lại với ai trong nhóm chuyên gia về việc sửa chữa hồ sơ trái quy định của pháp luật. Lời khai của bị cáo trùng với nội dung quy kết của cáo trạng. “Bị cáo không thể phạm tội vô ý, ở đây là lỗi cố ý” lời đại diện VKS.
Đối đáp với quan điểm bào chữa cho bị cáo Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế), đại diện VKS cho rằng, lời khai về việc đưa 2 hồ sơ thuốc ra thẩm định sớm để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ tồn đọng là không có căn cứ, vì 2 hồ sơ thuốc trên không thuộc trường hợp quá hạn.
Mặt khác, nếu hồ sơ tồn đọng, chỉ có thể tăng cường thẩm định chứ không thể ưu tiên, ưu ái cho bất kỳ doanh nghiệp nào có đơn thẩm định sớm.
Vì như vậy sẽ làm bất lợi cho các hồ sơ xin đăng ký thuốc của doanh nghiệp khác và càng gây ra tình trạng tồn đọng, chậm trễ cho các doanh nghiệp khác.
Theo đại diện VKS, bị cáo Châu và một số cá nhân liên quan có động cơ, mục đích ưu tiên giải quyết cho Công ty Vimedimex được cấp số đăng ký thuốc trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội.
Theo vietnamnet.vn