Thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền từ lộ lọt thông tin cá nhân
  • 09/122023
  • Trợ lý Luật sư Cao Vân

Thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền từ lộ lọt thông tin cá nhân

Gần đây, các hình thức lừa đảo chuyển tiền liên tục xuất hiện. Trong những vụ việc này, các đối tượng đều sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để tẩu tán tài sản.

Quá trình điều tra của công an trong một số sự việc gần đây đã hé lộ những kẻ hở trong quản lý các số điện thoại, tài khoản ngân hàng và dữ liệu thông tin cá nhân... mà các nhóm đối tượng này đã triệt để lợi dụng.

Một nhân viên văn phòng tại Hà Nội mất gần 100 triệu đồng. Một đối tượng nói là nhân viên ngân hàng sẽ hỗ trợ chị nâng hạn mức thẻ lên 96 triệu đồng. Chị đồng ý và gửi ảnh chụp căn cước công dân và ảnh chụp thẻ tín dụng cho người này qua tin nhắn.

Sau đó 1 mã OTP gửi đến số điện thoại chị, người này nói đây là mã xác nhận, chị cần gửi cho đối tượng mã này để nhận quà ưu đãi. Chị đã nghe theo.

Thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền từ lộ lọt thông tin cá nhân - Ảnh 1.

Kẽ hở rất lớn đã tạo điều kiện cho đối tượng tội phạm hoạt động là tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, như các thông tin về số tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, số điện thoại.

"Các đối tượng đã mua được thông tin tài khoản của ngân hàng Techcombank, Vietcombank, VP Bank, đối tượng giả danh là nhân viên ngân hàng, gọi điện đến cho các bị hại", Thượng úy Bùi Văn Ba, Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết.

Theo điều tra của công an, nhóm đối tượng tại Campuchia sử dụng các số điện thoại đầu số Việt Nam gọi điện cho người dân. Khi có thông tin số thẻ tín dụng, hạn mức thẻ và số căn cước công dân, một nhóm đối tượng khác sẽ có nhiệm vụ đặt mua các sản phẩm điện tử trên mạng thường là điện thoại với mức giá tương đương trong thẻ. Khi nạn nhân cung cấp mã OTP, đối tượng sử dụng để thanh toán.

Kẽ hở rất lớn đã tạo điều kiện cho đối tượng tội phạm hoạt động là tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, như các thông tin về số tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, số điện thoại.

"Các đối tượng sử dụng mua trôi nổi trên mạng, căn cứ vào đó các đối tượng gọi. Thông tin của bất kỳ người nào trong một ngân hàng nào đó các đối tượng có thể mua với giá rất rẻ", Trung tá Bùi Văn Tứ, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho hay.

Trong nhóm nhắn tin kín của các đối tượng có số tài khoản ngân hàng của đối tượng cầm đầu. Tuy nhiên khi xác minh, số tài khoản này là tài khoản không chính chủ được đối tượng mua lại nên không lấy lại được nguồn tiền đối tượng đã lừa đảo.

Mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội

Những tài khoản ngân hàng không chính chủ trở thành thứ "vũ khí lợi hại" cho các đối tượng lừa đảo, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi truy vết.

Do nhu cầu của các đối tượng lừa đảo rất lớn, "thị trường" mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng luôn sôi động. Nhiều đối tượng đã lập các tài khoản trên mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo..., công khai mua bán tài khoản ngân hàng.

Những hội nhóm mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội, những lời quảng cáo bán cả tài khoản ảo và tài khoản xác thực của tất cả cả ngân hàng, thậm chí bán cả gói từ sim điện thoại, số căn cước công dân và tài khoản ngân hàng, chỉ 500.000 - 1 triệu đồng/tài khoản.

Trong nhiều đường dây tội phạm công an đang điều tra, các đối tượng đều khai nhận mua tài khoản ngân hàng không chính chủ, mang tên những người khác.

Không chỉ tự nhận bản thân có thể "đáp ứng mọi nhu cầu" mua, thuê tài khoản ngân hàng, các nhóm đối tượng có sẵn nhiều chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD) với thông tin, địa chỉ khác nhau. Những giấy tờ này đều được làm giả.

Khi công an tiến hành điều tra, toàn bộ thông tin về chủ tài khoản ngân hàng các bị hại đã chuyển tiền vào đều không có liên quan gì với đối tượng tội phạm.

Theo Công an TP Hà Nội, với việc mua bán một tài khoản, người bán chỉ hưởng lợi vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng, nhưng hậu quả lại rất lớn. Đa phần người được thuê mở tài khoản ngân hàng vì hoàn cảnh khó khăn, không biết việc mình mở tài khoản để bán là vi phạm pháp luật. Có trường hợp đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của người khác để làm giả CMND, CCCD, sau đó mang đi mở tài khoản ngân hàng với mục đích lừa đảo.

Ngăn chặn dòng tiền lừa đảo qua tài khoản ngân hàng không chính chủ

Mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội, lợi dụng chính những tài khoản này để luân chuyển dòng tiền phạm tội, trong đó đặc biệt là tiền của những người dân bị các đối tượng lừa đảo. Tình trạng này đang đặt ra yêu cầu cấp bách là phải ngăn chặn kịp thời truy vết dòng tiền tiền lừa đảo, bảo vệ tài sản của người dân.

Việc triệt tiêu các tài khoản ngân hàng không chính chủ sẽ góp phần hạn chế vấn đề tội phạm lừa đảo, sử dụng công nghệ cao để phạm tội trên không gian mạng.

Hàng loạt các số tài khoản được sử dụng để luân chuyển dòng tiền. Khi công an xác minh chủ tài khoản lại không phải là đối tượng tội phạm.

Theo điều tra của công an, ngay khi người dân - nạn nhân của các vụ lừa đảo chuyển tiền vào một tài khoản của đối tượng, các đối tượng sẽ tiếp tục chuyển tiền lòng vòng qua rất nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, hoặc mở các tài khoản của các ví điện tử tiếp tục luân chuyển dòng tiền. Việc này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, truy vết của công an.

"Yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường phổ biến kiến thức nhận dạng giấy tờ tùy thân giả. Đối với ứng dụng trên môi trường số Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch với Bộ Công an xác thực dữ liệu công dân gắn chip nhằm xác thực chính chủ người thực hiện mở tài khoản", ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết.

Xác thực bằng gương mặt là một trong những cách thức xác thực sinh trắc học sẽ được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu trong các giao dịch chuyển tiền ở một hạn mức nào đó trong thời gian tới. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn tình trạng các tài khoản không chính chủ thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có hành vi lừa đảo công nghệ cao trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm với việc những tài khoản đăng ký ở ngân hàng mình là những tài khoản của các tổ chức tội phạm.

Dự kiến đến đầu tháng 7 năm sau sẽ thực hiện việc cho phép tổ chức tín dụng áp dụng sinh trắc học đối với giao dịch chuyển tiền vượt hạn mức giao dịch nhất định. Hạn mức này sẽ được quy định cụ thể để vừa đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán, nhưng không gây bất lợi trong giao dịch.

Thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền từ lộ lọt thông tin cá nhân - Ảnh 2.

Với việc mua bán một tài khoản, người bán chỉ hưởng lợi vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng, nhưng hậu quả lại rất lớn.

"Hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng danh sách tài khoản khách hàng có liên quan rủi ro gian lận. Chúng tôi tin rằng khi những danh sách đó được cung cấp đầy đủ, nếu các tổ chức tín dụng vẫn để khách hàng của mình chuyển tiền đến những đơn vị đó, tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm nhất định", ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho hay.

Kịp thời nhận biết dấu hiệu, ngăn chặn việc chuyển tiền của người dân trong các đường dây lừa đảo qua mạng đã được một số ngân hàng thực hiện trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, những sự việc được ngăn chặn chỉ là con số rất nhỏ so với những vụ lừa đảo trên không gian mạng đang diễn ra với số tiền chiếm đoạt của người dân rất lớn.

Bẫy mua bán tài khoản ngân hàng

Như vậy, với việc không ý thức được tính nguy hiểm của việc mua bán, cho thuê thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, nhiều người dân có thể gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động phạm tội, phải đối mặt với nguy cơ bị xử lý hành chính, hoặc hình sự.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an đã đưa ra các khuyến cáo: tuyệt đối không mua bán, trao đổi, cho tặng, cho mượn, cho thuê tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân.

Người dân cần hạn chế chia sẻ các thông tin, dữ liệu cá nhân như: hình ảnh căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản thanh toán... trên môi trường mạng để tránh bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Khi phát hiện bị mất giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, người dân cần trình báo cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, thông báo cho ngân hàng để khóa thẻ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng không liên quan đến các giao dịch trong thời gian bị mất.

Trong trường hợp phát hiện đối tượng chào mời cho thuê, cho mượn, mua, bán tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, đề nghị người dân tố giác và cung cấp tài liệu, chứng cứ đến cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo Luật Hình sự 2015, hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng là vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 40 - 100 triệu đồng hoặc bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" với mức phạt đến 7 năm tù.

Tags : Sjklaw, Tin tức
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: