Thân chủ đòi luật sư Đặng Đình Mạnh bồi thường 7,4 tỷ đồng
Luật sư Đặng Đình Mạnh kiện đòi thân chủ gần 1 tỷ đồng do vi phạm hợp đồng dịch vụ pháp lý. Quá trình giải quyết, bà Dư Thị Tuyết có đơn phản tố yêu cầu ông này phải bồi thường 7,4 tỷ đồng.
Ngày 18/4, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tư vấn pháp lý giữa nguyên đơn là luật sư Đặng Đình Mạnh (Đoàn luật sư TPHCM) và bị đơn là bà Dư Thị Tuyết (quốc tịch Hoa Kỳ).
Tuy nhiên, HĐXX cần thực hiện một số thủ tục ủy thác tư pháp nên quyết định hoãn phiên tòa.
Theo đơn khởi kiện, ngày 16/10/2017, Văn phòng luật sư Đặng Đình Mạnh ký hợp đồng tư vấn pháp luật với bà Dư Thị Tuyết. Hai bên thỏa thuận luật sư sẽ làm đại diện cho bà để tham gia tố tụng trong vụ kiện đòi tài sản trong thời kỳ hôn nhân giữa bà với người chồng cho đến khi hoàn thành.
Văn phòng luật sư được hưởng thù lao 10% khoản quyền lợi mà bà Tuyết được tòa công nhận. Bà Tuyết sẽ tạm ứng trước cho văn phòng 12.000 USD để lo chi phí. Tuy nhiên, thực tế bà Tuyết không thanh toán số tiền trên mà đề nghị văn phòng luật ứng trước các khoản: tạm ứng án phí dân sự, thẩm định giá tài sản.
Tháng 5/2019, TAND TPHCM xử sơ thẩm và tuyên công nhận bà Tuyết được chia 1/2 giá trị căn nhà là phần tài sản tranh chấp, tương đương 11,5 tỷ đồng. Chồng cũ của bà Tuyết sau đó kháng cáo, song quá trình TAND Cấp cao tại TPHCM thụ lý theo thủ tục phúc thẩm thì ông rút đơn.
Đến đầu năm 2020, chồng bà Tuyết tự nguyện thi hành án, nộp 11,5 tỷ đồng vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự TPHCM tại Kho bạc Nhà nước.
Quá trình thi hành, bà Tuyết không thanh toán đủ thù lao cho văn phòng luật sư theo hợp đồng.
Tháng 5/2020, Văn phòng luật sư Đặng Đình Mạnh khởi kiện bà Tuyết, yêu cầu tòa án buộc thân chủ phải thanh toán phần phí còn lại là 940 triệu đồng gồm: tiền tạm ứng án phí dân sự, chi phí thẩm định giá và thù lao.
Quá trình thụ lý vụ án, bà Tuyết có đơn yêu cầu phản tố. Theo đó, bà này đòi luật sư phải bồi thường cho mình số tiền 7,5 tỷ đồng.
Theo bị đơn, bà được tòa buộc chồng cũ trả 1/2 giá trị nhà đất tranh chấp, tương đương 11,5 tỷ đồng, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật (13/11/2019-13/2/2020). Quá thời hạn trên, nếu bên phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ thì bà được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi nhà đất này.
Tuy nhiên, đến ngày 19/2/2020 (tức đã quá 3 tháng kể từ ngày án có hiệu lực), khi làm việc với cơ quan thi hành án, luật sư Mạnh vẫn đồng ý để cho chồng cũ của bà trả phần tiền trên.
Bà Tuyết cho rằng, đáng lẽ luật sư phải yêu cầu cơ quan thi hành án làm thủ tục phát mãi nhà đất nói trên mới đảm bảo quyền lợi cho bà. Bởi lẽ, lúc này giá trị nhà đất tranh chấp đã tăng lên 37,9 tỷ đồng và số tiền bà được nhận (50%) phải là gần 19 tỷ đồng. Như vậy, ông Mạnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà, gây thiệt hại 7,4 tỷ đồng.