Sập bẫy
  • 09/072022
  • Trợ lý lý Luật sư Thu Hoài

Sập bẫy "việc nhẹ lương cao", nhiều người mất tiền, thậm chí mất mạng ở nước ngoài

Tin vào chiêu trò dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao", hàng nghìn lao động bị lừa ra nước ngoài, muốn thoát thân phải nộp tiến chuộc lên tới hàng trăm triệu đồng.

Ám ảnh chuỗi ngày lưu lạc ở nước ngoài

Đến nay, thị trường lao động nước ngoài bắt đầu sôi động trở lại, cũng là lúc nở rộ tội phạm lừa đảo người lao động. Thời gian qua, tại nhiều địa phương nổi lên hiện tượng các đối tượng xấu bằng chiêu trò vẽ ra viễn cảnh "việc nhẹ lương cao" lôi kéo người dân xuất cảnh sang nước ngoài để làm việc bất hợp pháp, nổi cộm là bị dụ dỗ sang Campuchia.

Từ đầu năm đến nay ít nhất 1.500 người đã được hỗ trợ pháp lý, 400 lao động được bảo hộ về nước, mang theo nhiều ký ức đau lòng.

Đã hơn 1 tháng được trở về đoàn tụ với gia đình nhưng anh Nguyễn Văn Chiến vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ lại chuỗi ngày lưu lạc ở nước ngoài.

Theo lời kể lại, đầu tháng 3 vừa qua, nghe theo lời Trần Ngọc Chung, đối tượng vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài", nạn nhân đã vượt biên trái phép sang Campuchia để làm việc trong 1 sòng bạc. Thực tế công việc ở đây hoàn toàn khác xa với viễn cảnh việc nhẹ lương cao mà kẻ xấu vẽ ra để dụ dỗ mua chuộc anh và những người đi cùng.

Sập bẫy việc nhẹ lương cao, nhiều người mất tiền, thậm chí mất mạng ở nước ngoài - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Chiến vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ lại chuỗi ngày lưu lạc ở nước ngoài

"Sang bên đó em phải làm việc 12-16 tiếng 1 ngày. Trung bình mỗi ngày phải kiếm được 2 người nạp tiền và 2 người tạo tài khoản. Nếu không làm được mức nhẹ nó cho vừa quỳ, vừa làm. Mức nặng thì nó cho vào phòng tối nó đánh đập" – anh Chiến kể lại.

Ở Sóc Trăng hay các tình Đồng bằng Sông Cửu Long, cũng có không ít trường hợp người dân bị lôi kéo, dụ dỗ vượt biên sang nước ngoài làm việc bất hợp pháp.

Để giải cứu con em mình ra khỏi những nơi nguy hiểm như vậy, cũng đã có không ít trường hợp như gia đình này đã phải lo vay mượn hàng trăm triệu đồng nộp phạt cho các công ty nước ngoài. Với họ, những gì xảy ra với người thân như đẩy cả gia đình họ đến bước đường cùng.

Thực tế đã có những trường hợp như gia đình ông Trần Văn Trung ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Ngày trở về của cậu trai ông Trung xa mịt mờ khi mới đây gia đình ông nhận được tin con mình bị đánh đập dẫn đến tử vong.

Hậu họa khôn lường phía sau giấc mơ đổi đời

Hành vi dụ dỗ, lôi kéo người dân sang nước ngoài làm việc là hành vi nguy hiểm, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm lừa đảo, mua bán người và tổ chức đưa người vượt biên trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh trật tự. Nhưng thủ đoạn của của các đối tượng lừa đảo vẫn ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý của người lao động.

Đối tượng Trần Ngọc Chung vừa bị công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép".

Tại cơ quan công an, đối tượng này khai nhận, đầu tháng 3 vừa qua, thông qua mạng xã hội, đã tiếp cận, lôi kéo và đưa trót lọt 4 người vượt biên trái phép sang Campuchia qua đường tiểu ngạch tại tỉnh Long An.

Sập bẫy việc nhẹ lương cao, nhiều người mất tiền, thậm chí mất mạng ở nước ngoài - Ảnh 2.

Đối tượng Trần Ngọc Chung lôi kéo và đưa trót lọt 4 người vượt biên trái phép sang Campuchia

"Để tạo lòng tin cho các bị hại, em có nói sang bên đó làm việc không cần bằng cấp, đào tạo gì, chỉ cần ngồi máy tính, trả lời tin nhắn, công việc nhẹ nhàng lương nhận 500 USD/tháng" – đối tượng Chung nói.

Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngoài Trần Ngọc Chung, từ đầu năm đến nay đã bắt giữ 4 đối tượng nữa về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép".

Nhẹ dạ, cả tin vào những lời dụ dỗ của những đối tượng xấu, chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 20 nạn nhân bị lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia và bị cưỡng bức lao động tại các sòng bài.

Việc điều tra, truy bắt các đối tượng lừa đảo gặp nhiều khó khăn do các bị hại thường không lưu lại các giấy tờ hay tin nhắn trong quá trình liên hệ với đối tượng lừa đảo để làm bằng chứng. Do vậy công tác quản lý chặt địa bàn và đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân luôn được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Thời gian qua, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các nước mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam, cụ thể: Các nước Châu Âu mở từ năm 2021; Hàn Quốc từ tháng 5/2021, Đài Loan (Trung Quốc) mở lại từ tháng 2, Nhật Bản từ tháng 3 năm nay. Thị trường lao động nước ngoài chính ngạch thực chất lại đang khát lao động, trong khi đó nhiều lao động lại đi bằng con đường bất hợp pháp.

Tiền mất, tật mang, thậm chí mất cả tính mạng, kéo theo cả gia đình người thân vào bước đường cùng. Những hậu họa khôn lường phía sau giấc mơ đổi đời của hàng ngàn người chính là lời cảnh tỉnh cho người dân. Không có cách nào khác, đi lao động nước ngoài thông qua các công ty được cấp phép mới có thể đảm bảo an toàn. Người dân có thể kiểm tra xem doanh nghiệp có được cấp giấy phép hay không, trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).

Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hay người nhà cần liên hệ với cơ quan công an gần nhất hoặc gọi Tổng đài quốc gia 111, đường dây nóng 18001567.

Cùng tìm hiểu thêm về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là Thượng tá Hoàng Nam Phương, Phó trưởng phòng Phòng hướng dẫn điều tra tội phạm công nghệ cao có yếu tố nước ngoài, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.

Tags : Sjklaw, Tin tức
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: