Quyết liệt xử lý vấn nạn lừa đảo trực tuyến
6 tháng đầu năm nay, tình trạng lừa đảo trực tuyến tăng tới gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái, với 24 hình thức lừa đảo và thủ đoạn tinh vi.
Thông tin này được đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ thông tin truyền thông vừa diễn ra vào chiều 5/7 tại Hà Nội càng cho thấy tình hình vẫn khá phức tạp.
Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, nạn lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong nửa đầu năm nay có nhiều nguyên nhân như số lượng người dân sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo cũng ngày 1 tinh vi và khó nhận diện. Chính vì thế, Cục đã triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến, các cách nhận diện 24 hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay, trên các nền tảng và các trang mạng xã hội.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: "Khi chúng ta bị lừa phần lớn là do người bị lừa đảo chưa được cập nhật hình thức lừa đảo đấy. Khi công nghệ phát triển thì hình thức lừa đảo cũng liên tục thay đổi. Do vậy, ngoài việc chiến đấu về công nghệ, tuyên truyền như thế nào để đến người dân sớm nhất và nhanh nhất sẽ mang lại giá trị rất cao".
Môth trong những hình thức lừa đảo trực tuyến rất tinh vi là sử dụng các trạm BTS giả để phát tán tin nhắn có tên thương hiệu nhằm tăng độ uy tín với người dùng. Đại diện Cục tần số vô tuyến điện cho biết đã có giải pháp để xử lý hình thức lừa đảo nói trên.
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, nói: "Chúng tôi tìm ra giải pháp hiệu quả có thể bắt đối tượng sử dụng là phối hợp nhà mạng cùng cơ quan công an, khi BTS giả hoạt động thì nhà mạng biết là hoạt động, khoanh vùng ở khu vực nào. Cục Tần số vô tuyến điện có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật định vị chính xác BTS đang nằm ở đâu. Khi ấy công an phối hợp đi cùng bắt tại chỗ ngay. Tôi tin tưởng là chúng ta đã có giải pháp sẽ có thể phát hiện, bắt giữ các đơn vị giả mạo hiệu quả hơn".
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Tần số vô tuyến điện cho biết đã xử lý được 15 vụ việc sử dụng trạm BTS giả, nhiều hơn 6 vụ so với cả năm 2022.