Quy hoạch sử dụng đất 10 năm tới thay đổi thế nào?
  • 18/102021
  • Trợ lý lý Luật sư Thu Hoài

Quy hoạch sử dụng đất 10 năm tới thay đổi thế nào?

Nếu Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ hai, thì 10 năm tới, diện tích trồng lúa có thể giảm bớt, nhưng thu nhập của người nông dân sẽ tăng lên...

Đừng để thực tế khác xa hồ sơ

Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch Sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 là những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (khai mạc sáng 20/10 tới).

Trong bối cảnh yêu cầu sửa Luật Đất đai được đặt ra cấp thiết, nguồn lực vô cùng quan trọng là đất đai vẫn đang bị lãng phí, quy hoạch mới được yêu cầu đổi mới về tư duy, cách tiếp cận, phương pháp, tiêu chí… so với các kỳ quy hoạch trước đây.

Điều này, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, là đã có. “Số liệu đầu vào đa dạng, đa chiều, việc dự báo các chỉ tiêu sử dụng đất được tính toán bằng các phương pháp kinh tế lượng, định mức sử dụng đất, đảm bảo quỹ đất đáp ứng các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường, người dân; ứng dụng nhiều công nghệ như viễn thám để đối soát, kiểm tra số liệu, phân tích các yếu tố không gian bằng công nghệ GIS…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tuần qua.

Nhưng, có đến hơn một lần trong phát biểu của mình ở phiên họp đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý việc rà soát số liệu. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, UBND tỉnh Cà Mau gửi văn bản nói rằng, số liệu giữa hồ sơ và hiện trạng quản lý đất đai là rất khác nhau, hàng trăm ngàn héc-ta trước là đất rừng phòng hộ thực tế đã chuyển sang đất sản xuất, đất nuôi trồng hải sản, thủy sản, đất trồng lúa, đất làm trụ sở, công sở…, nhưng trên bản đồ vẫn ghi là đất rừng phòng hộ.

Từ việc nhiều số liệu không khớp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát số liệu cho chuẩn và tới đây, nên mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý theo dõi dữ liệu đất đai.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhiều lần nhấn mạnh, việc quản lý, sử dụng đất là một trong những trọng tâm giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022 trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đừng để lãng phí nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng này.

Cũng nhắc tới ví dụ ở Cà Mau, một vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau rất bức xúc, phản ánh là đã nhiều lần gửi đề nghị đến các bộ chức năng về chuyện đất rừng đã không còn là đất rừng. “Ngoài Cà Mau, còn những tỉnh nào cũng có tình trạng tương tự, cần phải đánh giá cho sát thực tế”, vị này đề nghị.

Linh hoạt để đất lúa tạo ra nhiều tiền hơn

Theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tiêu diện tích đất trồng lúa của cả nước đến năm 2030 là 3.568.480 ha, giảm 348.770 ha so với năm 2020 (trong đó, đất chuyên trồng lúa nước còn 3.001.430 ha, giảm 174.770 ha). Cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) nhận xét, chỉ tiêu này đã đáp ứng yêu cầu quy hoạch giữ ổn định 3,5 triệu héc-ta đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho 104 triệu người theo dự báo dân số đến năm 2030.

Đáng chú ý là, Chính phủ đề xuất, trong số 3,568 triệu héc-ta đất trồng lúa, có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300.000 ha, nhưng được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất, các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản trên thực tế đang diễn ra và về mặt kinh tế có thể hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt, có đặc trưng riêng về thành phần lý hóa tính, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài. Do đó, việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa (tầng canh tác, hệ thống thủy lợi, không làm nhiễm mặn, phèn, làm ô nhiễm, thoái hóa đất).

Lưu ý từ cơ quan thẩm tra là, khi đã sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác, thì không dễ chuyển lại thành đất lúa. Do vậy, Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia lần này cần có định hướng rõ ràng về phân bổ không gian đất chuyên trồng lúa, thực hiện nghiêm chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về việc bảo vệ chặt chẽ đất chuyên trồng lúa từ 2 vụ trở lên.

Thể hiện quan điểm ủng hộ mạnh mẽ đề xuất của Chính phủ, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách trao đổi lại với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế rằng, đất lúa chủ yếu nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 1 ha cho thu nhập 50 - 70 triệu đồng/năm, cao nhất là 100 triệu đồng/năm. Nhưng nếu cho phép người dân chuyển sang trồng cây khác, thì thu nhập có thể tăng lên gấp nhiều lần.

“Người ta đào mấy đường mương, rồi đắp đất lên là trồng cây cam, bưởi, quýt, trồng các cây ăn trái khác, thu hoạch một năm có thể đạt 500 - 700 triệu đồng, thậm chí 800 - 900 triệu đồng. Sau đó, nếu muốn trồng lại lúa, thì chặt cây xong lại san đất ra là tiếp tục trồng lúa được, chuyển đổi linh hoạt như thế”, ông Cường phân tích.

“Nông dân mình nghèo, mà cứ bắt trồng lúa để thu hoạch 50 - 70 triệu đồng mỗi năm chẳng khác nào như mình phải bao cấp cho cả thế giới về lúa gạo”, ông Cường nêu quan điểm và nhắc lại, ông rất ủng hộ chuyển đổi linh hoạt như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, ông cũng đồng ý với cơ quan thẩm tra là không thể chuyển sang làm khu công nghiệp, bởi khi làm hạ tầng, múc đất phù sa, đất bùn đi, đổ cát và đất san lấp vào rồi, thì không thể quay trở lại đất nông nghiệp được nữa.

Muốn đón “đại bàng”, thì phải có tổ lớn

Những năm tới, chỉ tiêu đất khu công nghiệp tăng rất cao là vấn đề khiến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn nhiều băn khoăn về tính khả thi. Bởi giai đoạn 2011 - 2020, chỉ tiêu đất khu công nghiệp đạt rất thấp (hơn 47,45%), tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 75%. Nhưng giai đoạn 2021 - 2030 đặt chỉ tiêu rất cao (đến năm 2030 là 210.930 ha, tăng 120.100 ha so với năm 2020).

Đề nghị phân tích, làm rõ cơ sở đưa ra chỉ tiêu và tính khả thi của chỉ tiêu này, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, bối cảnh giai đoạn tới, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, có thể ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Nhấn mạnh không chỉ đất khu công nghiệp, mà cả cụm công nghiệp cũng rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội nói, nếu xây một khu đô thị, lợi ích kinh tế mang lại lúc đó là thu được tiền sử dụng đất, giá trị xây lắp của khu đô thị tính vào GRDP..., nhưng sau đó không phát huy được gì, chủ yếu là áp lực lên hạ tầng kinh tế - xã hội. Còn hạ tầng cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất ít nhất phát huy tác dụng 50 - 70 năm của vòng đời dự án, việc làm, thu nhập, thuế, tăng trưởng đều nằm ở đây.

Yêu cầu thời gian tới đây, cần chú trọng hơn vấn đề này, một mặt lấp đầy các khu công nghiệp cũ, một mặt có cơ chế để thu hút doanh nghiệp vào các khu mới, song Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng nêu một vướng mắc từ thực tế, đó là khu cũ chưa lấp đầy theo quy định, thì không được mở mới, nhưng nhu cầu mở mới rất cấp bách, mà những nơi cũ thì lại không còn phù hợp. Bởi, có những nhà đầu tư giàu tiềm lực, họ có nhu cầu đầu tư lớn.

“Trong Nam gọi là ‘muốn cá to, thì phải ao sâu’, miền Bắc thì nói là ‘muốn có đại bàng, thì phải có tổ lớn’”, Chủ tịch Quốc hội góp ý. Ông cũng cho rằng, tới đây, khi xem xét Luật sửa đổi một số luật về đầu tư, kinh doanh, cần chú ý vấn đề phân cấp trung ương - địa phương trong quyết định quy mô, phạm vi sử dụng đất cho các “đại bàng”, tránh tình trạng đã phân cấp rồi lại gây khó khăn cho nhà đầu tư hoặc đẩy hết trách nhiệm cho địa phương.

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ hai, Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch Sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) sẽ được trình Quốc hội vào ngày 21/10. Nghị quyết về nội dung này được thông qua vào ngày cuối cùng của Kỳ họp (13/11).

Mở rộng khu công nghiệp đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2030, theo đánh giá của các chuyên gia, công ty tư vấn bất động sản công nghiệp, việc phát triển và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của Việt Nam có nhiều thuận lợi từ tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do, môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn thiện (một số công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng được đầu tư và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021 - 2030). Đồng thời, theo phản ánh của các địa phương, cần tăng cường đầu tư mới và mở rộng khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 để có thể đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư.

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, có dư địa để hạn chế việc tăng giá đất cho thuê, đảm bảo tính kế thừa của quy hoạch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị xem xét chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp kỳ quy hoạch 2021 - 2030 tối thiểu là 211.000 ha.

Nguồn: Báo Đầu tư online.

Tags : Sjklaw, Tin tức
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: