Dịch vụ tài sản ảo tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền
  • 08/072022
  • Trợ lý lý Luật sư Thu Hoài

Dịch vụ tài sản ảo tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền

Dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung cấp dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ là 2 hoạt động mới, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, tại cuộc họp thẩm định dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền vừa diễn ra, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung cấp dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ là 2 hoạt động mới, khung pháp lý điều chỉnh còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Tuy nhiên, đây là những hoạt động tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền. Thông tin của các bên trong giao dịch trực tuyến thường sử dụng mã số, ký hiệu và có tính ẩn danh cao, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành điều tra, truy vết tội phạm.

Dịch vụ tài sản ảo tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền - 1

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì buổi họp thẩm định (Ảnh: An Như).

Chính vì thế, dự thảo luật đã bổ sung đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ. Từ đó tạo cơ sở pháp lý để quản lý về phòng chống rửa tiền đối với các tổ chức này ngay khi có khung pháp lý điều chỉnh.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, quy định tại dự thảo luật phù hợp với xu hướng chung của pháp luật về phòng chống rửa tiền của các quốc gia trên thế giới.

Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) cũng khuyến nghị, yêu cầu các quốc gia phải nhận diện và đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố liên quan đến tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo. Theo đó, tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo phải được đăng ký hoặc cấp phép bởi có quan có thẩm quyền, thực hiện các biện pháp phòng ngừa về rửa tiền và tài trợ khủng bố. Các quốc gia phải có hình phạt phù hợp xử lý đối với trường hợp tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo có vi phạm pháp luật.

Việt Nam hiện chưa có đánh giá cụ thể về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố phát sinh từ các hoạt động tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo. Tài sản ảo không được công nhận là phương tiện thanh toán, tuy nhiên việc nghiêm cấm chỉ giới hạn tới tài sản ảo cho mục đích thanh toán và không bao gồm "tài sản" và việc sử dụng tài sản ảo cho các mục đích khác ngoài thanh toán.

Luật Phòng chống rửa tiền có hiệu lực từ ngày 1/1/2012, sau 10 năm thi hành đã đạt được nhiều kết quả. Cục Phòng chống rửa tiền đã tiếp nhận hàng ngàn thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ, phân tích và chuyển giao khối lượng lớn cho Bộ Công an và cơ quan có thẩm quyền khác để xử lý.

Luật cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, ký kết, thực hiện các thỏa thuận quốc tế và trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền, ngăn chặn kịp thời các tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định đến nay luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định. Theo Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền, được đánh giá có nguy cơ rửa tiền ở mức "trung bình cao" đến mức "cao". Do vậy, việc hoàn thiện quy định về phòng chống rửa tiền nói chung, xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi nói riêng là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng.

Dịch vụ tài sản ảo tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền - 2

(Ảnh minh họa).

Tại cuộc họp thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến và rà soát lại hồ sơ dự thảo luật để hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền.

Bà Oanh nhấn mạnh, còn nhiều nội dung khác trong dự thảo luật cần xin ý kiến của cấp có thẩm quyền. Một số nội dung khác như tài sản ảo, nội dung mở rộng đối tượng báo cáo, vấn đề khách hàng nước ngoài... phải cân nhắc thêm khi đưa vào trong dự thảo này.

Tags : Sjklaw, Tin tức
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: