Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị đề nghị 5-6 năm tù
Công bố bản luận tội, VKS cho rằng phiên tòa xét xử các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ địa phương đã thể hiện tính răn đe của pháp luật, không có vùng cấm.
Sau 2 ngày xét xử, sáng 12/5, phiên tòa sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí chuyển sang phần tranh luận. VKSND TP Hà Nội công bố bản luận tội.
Theo cơ quan công tố, sai phạm của các bị cáo để lại hậu quả nghiêm trọng, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến tính chặt chẽ của quy trình quản lý đất đai. Các bị cáo bị đưa ra xét xử nguyên là lãnh đạo, cán bộ địa phương đã thể hiện tính răn đe của pháp luật, không có vùng cấm.
Dù vậy, đánh giá về các bị cáo, VKS cho rằng, trong quá trình công tác, họ đã có nhiều đóng góp cho tỉnh Bình Thuận, đồng thời, trong vụ án này, các bị cáo không hưởng lợi ích vật chất gì. Đây là những căn cứ VKS đề nghị HĐXX cân nhắc khi lượng hình, xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Về mức án, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Nguyễn Ngọc Hai (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) 5-6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh, ông Lương Văn Hải (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), ông Hồ Lâm (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) và ông Lê Thanh Danh (cựu Phó giám đốc Sở) cùng bị đề nghị 4-5 năm tù.
Nhóm bị cáo còn lại bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí bị VKS đề nghị phạt các mức án 18-36 tháng tù.
Riêng ông Nguyễn Văn Phong (cựu Giám đốc Sở Tài chính) bị đề nghị 24-30 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo buộc, thời điểm giữ vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Hai có trách nhiệm quản lý đất đai trên địa bàn. Bị cáo nắm rõ quy định của pháp luật về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng năm 2017, ông Hai vẫn ban hành chủ trương giao 3 lô đất số 18, 19, 20 của quỹ đất 2 bên đường ĐT.706B (ở phường Phú Hải, TP Phan Thiết) cho Công ty Tân Việt Phát.
VKS cáo buộc ông Hai giao đất cho doanh nghiệp vào năm 2017 nhưng áp dụng giá đất được phê duyệt từ năm 2013. Điều này là trái với quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Cùng thực hiện hành vi trên với ông Hai là lãnh đạo, cán bộ UBND tỉnh Bình Thuận, các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính. Những cơ quan này được giao nhiệm vụ trực tiếp, liên quan đến quản lý đất đai và tài chính về đất đai.
Cơ quan tố tụng xác định các bị cáo đều nắm rõ quy định của pháp luật về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nhưng vẫn thống nhất đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh giao 3 lô đất trên cho Công ty Tân Việt Phát.
Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 45 tỷ đồng. Trong vụ án này, VKS cáo buộc ông Hai là người chịu trách nhiệm với vai trò chính, 9 bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm.
Đối với ông Nguyễn Văn Phong (nguyên Giám đốc Sở Tài chính), VKS cho rằng bị cáo là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở, bao gồm có việc quản lý tài chính đối với đất đai và xác định giá đất cụ thể.
Tuy nhiên, sau khi nhận chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về kiểm tra việc giao đất cho Công ty Tân Việt Phát, ông Phong đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát đối chiếu với quy định của Luật Đất đai, Luật Giá. Từ đó, UBND tỉnh đã không có biện pháp thu hồi kịp thời, để cho các sở, ngành liên quan và Công ty Tân Việt Phát thực hiện thủ tục giao, cho thuê, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.